Quả la hán là quả gì?
Quả la hán hay còn được gọi là la hán quả hay giả khổ qua có tên khoa học là Momordica grosvenori Swingle thuộc họ Bí. Cây la hán là loại cây đặc sản của vùng Quảng Tây, Quế Lâm, Trung Quốc. Đây là một cây mọc leo được trồng lấy quả và sử dụng chế biến thành các loại nước giải khát rất tốt. Quả la hán có vỏ cứng nhỏ với đường kính khoảng 4 - 6 cm, có hình cầu hoặc hình hơi trái xoan.
Thành phần hóa học trong quả la hán bao gồm:
Đường chiếm khoảng 25-38%.
Saponin tritecpen: Quả la hán có chứa mogroside V có độ ngọt rất cao gấp 300 lần saccharose và đối với mogroside VI cao gấp 126 lần saccharose.
Chất nhầy: D-mannitol.
Protein.
Vitamin C.
Nhiều nguyên tố vi lượng khác như Fe, Mn, Zn, iot, Se.
Quả la hán được coi là dược liệu có lợi cho sức khỏe.
Quả la hán có tác dụng gì?
Dưới đây là các tác dụng của quả la hán:
Quả la hán hỗ trợ kiểm soát đường huyết
Theo các nghiên cứu, trong quả la hán chứa hợp chất chất protein monogrosvin có vị ngọt cao hơn đường mía khoảng 300 lần và đường hữu cơ (fructose, glucose…). Đây là các chất tạo ngọt không đường, không calo, không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Một số nghiên cứu cho thấy, mogroside trong quả la hán có khả năng kích thích tuyến tụy sản xuất insulin. Insulin là một hormone quan trọng giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách giúp glucose đi vào tế bào để sử dụng làm năng lượng. Mogroside cũng được cho là có thể cải thiện độ nhạy insulin của cơ thể, giúp các tế bào phản ứng tốt hơn với insulin và hấp thụ glucose từ máu hiệu quả hơn.
Chính vì vậy, quả la hán trở thành một sự thay thế tuyệt vời cho đường đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc những người đang theo dõi lượng đường huyết.
Tăng cường hệ tiêu hóa
Quả la hán chứa một lượng chất xơ nhất định, giúp thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh. Trong y học cổ truyền, quả la hán được xem là có tính mát, có tác dụng nhuận tràng nhẹ, giúp cải thiện tình trạng táo bón.
Ngoài ra, loại quả này không chứa axit hoặc các chất gây kích ứng dạ dày, phù hợp cho những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm. Một số nghiên cứu cho thấy các chất trong quả la hán có thể có tác dụng prebiotic, tức là cung cấp thức ăn cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp duy trì sự cân bằng hệ vi sinh và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
Thanh nhiệt, giải độc
Không chỉ chứa nhiều chất dinh dưỡng, theo Đông y, quả la hán có vị ngọt, tính mát, không độc nên được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian để chữa một số bệnh. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh quả la hán có khả năng hỗ trợ chức năng gan, giúp gan giải độc hiệu quả hơn.
Quả la hán không ăn tươi mà được dùng dưới dạng trái khô hoặc dạng bột để làm nước giải khát khá phổ biến.
Ngăn ngừa ung thư
Quả la hán giàu các chất chống oxy hóa như flavonoid và vitamin C, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra. Các gốc tự do này có thể gây tổn thương DNA và góp phần vào sự phát triển của tế bào ung thư.
Nghiên cứu khoa hoc cho thấy, các hợp chất trong quả la hán đặc biệt là mogroside, có thể ức chế sự tăng sinh và lan rộng của tế bào ung thư. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác dụng chống ung thư của quả la hán vẫn còn đang trong giai đoạn đầu, không nên coi loại quả này là một phương pháp điều trị hoặc phòng ngừa ung thư duy nhất.
Giảm ho và đau họng
Một số nghiên cứu cho thấy quả la hán có đặc tính chống viêm, giúp giảm viêm nhiễm ở đường hô hấp trên, bao gồm cả cổ họng. Quả la hán có tính mát, giúp làm dịu cổ họng, giảm viêm và sưng tấy, từ đó giảm đau họng. Song song với đó, quả la hán còn có thể giúp long đờm, làm loãng dịch nhầy trong cổ họng, giúp giảm ho và dễ thở hơn.
Quả la hán chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus. Từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như ho và đau họng.
Chống oxy hoá
Thành phần mogroside có trong quả la hán có vai trò như chất chống oxy hóa nên chị em sử dụng đúng cách có thể làm giảm quá trình lão hóa, bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công và phát triển của các gốc tự do, giúp đẹp da, phòng chống được một số bệnh.
Hỗ trợ điều trị các bệnh hô hấp và tim mạch
Theo các chuyên gia, việc sử dụng nước la hán đúng cách sẽ phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp như viêm họng, ho khan kéo dài. Ngoài ra, còn có tác dụng làm giảm các triệu chứng bệnh tim mạch, cao huyết áp, xơ vữa động mạch,…
Giảm táo bón
Nước quả la hán với táo đỏ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể nhanh chóng. Đồng thời, tình trạng táo bón cũng thuyên giảm và nhuận tràng hiệu quả. Trong thành phần của quả la hán còn có chất kháng viêm giúp giảm sưng đau hiệu quả.
Giảm triệu chứng dị ứng
Quả la hán chứa chất kháng histamine, có thể chống viêm nhiễm, dị ứng và làm giảm các triệu chứng dị ứng.
Người tiểu đường có uống được quả la hán không?
Quả la hán chứa hoạt chất saponin triterpene tạo vị ngọt tự nhiên đặc trưng, gấp 300 lần đường mía nhưng lại ít calo. Vì vậy, người bệnh tiểu đường có thể bổ sung quả la hán để hỗ trợ điều trị bệnh đồng thời giải nhiệt cơ thể.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng la hán quả mà dùng đúng liều lượng. Thông thường, liều lượng sử dụng là 9 - 15g quả la hán/ngày, có thể sắc hoặc hãm nước uống.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người bệnh tiểu đường cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng quả la hán.
Có thể chế biến quả la hán thành nhiều cách khác nhau để sử dụng.
Uống nước quả la hán hàng ngày có tốt không?
Theo Bác sĩ Trần Bích Ngọc (Trung tâm Y học cổ truyền Vinmec - Sao Phương Đông), quả la hán tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng và nhuận phế, thông tiện, sử dụng rất tốt cho người bị cảm sốt, ho, viêm khí quản, lao phổi gây ho và viêm họng, ho nhiều đờm, mất tiếng, táo bón.
Đặc biệt, hoạt chất saponin tritecpen trong la hán quả có vị ngọt tự nhiên nên rất phù hợp đối với người bệnh bị mắc bệnh đái tháo đường. Quả la hán có tác dụng làm dịu các kích ứng niêm mạc bên trong họng hầu ở những trường hợp bệnh nhân bị viêm họng, viêm thanh khí quản.
Do đó, có thể chế biến quả la hán thành nhiều cách khác nhau để sử dụng như nấu nước uống hoặc nấu canh la hán để ăn đều rất tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên không nên lạm dụng mà dùng đúng liều lượng. Thông thường, liều lượng sử dụng là 9 - 15g quả la hán/ngày.
Những ai không nên dùng quả la hán?
Mặc dù quả la hán có nhiều công dụng đối với sức khỏe nhưng những người sau đây nên cẩn thận và không nên sử dụng quả la hán thường xuyên:
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Người hay bị ho, cảm, phong hàn, lạnh tay chân,… Lý do là quả la hán có tính hàn, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh.
Người dị ứng với thành phần trong quả la hán.
Người đang dùng thuốc nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Một số bài thuốc hay trị bệnh từ quả la hán
Các bài thuốc dân gian điều trị bệnh từ quả la hán bạn đọc có thể tham khảo:
Trị viêm phế quản, cảm, ho khan, nhiều đờm: Chuẩn bị 1 quả la hán và 10g hạnh nhân. Đập nhỏ quả, sau đó đun với hạnh nhân và 1 lít nước. Chia thành 3 – 4 phần và uống hết trong ngày.
Trị viêm họng, khàn tiếng, nóng trong người và táo bón: Đập nhỏ 1 quả la hán, cho vào nước sôi, đun nước uống 2 lần trong ngày.
Giảm các triệu chứng bệnh lao: Sử dụng 50g quả la hán và 100g thịt heo băm. Cắt nhỏ, sau đó xào chín thịt heo và nấu canh.
Điều trị đại tiện khó khăn và bệnh đường ruột: Chuẩn bị 1 quả la hán, 3 hạt bàng đại hải. Nghiền vụn quả la hán, sau đó sắc và chia lấy nước uống trong ngày.
Một số lưu ý khi sử dụng quả la hán
Mặc dù quả la hán mang lại nhiều công dụng tuyệt vời, tuy nhiên bạn cũng cần chú ý các điều sau để đảm bảo an toàn:
Liều lượng phù hợp của quả la hán là 9 – 15g đối với quả khô. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng sức khỏe mà liều lượng có thể khác nhau.
Người có vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, đầy hoặc người bệnh gan cần cẩn trọng khi sử dụng loại quả này
Không nên kết hợp với tam bạch, bối mẫu, la bặc, thông bạch với quả la hán để tránh gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Nếu bạn muốn sử dụng quả la hán để cải thiện sức khỏe, tốt nhất cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đạt kết quả tốt nhất.