Tính đến hiện tại, các nước trong khu vực ASEAN-6 gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines đã công bố kết quả tăng trưởng GDP quý II.
Với mức tăng 6,93%, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã vượt xa các kỳ vọng trước đó và cao hơn kịch bản điều hành của Chính phủ (5,58 – 6,32%) trong quý II. Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết 01 (6%).
Thậm chí, với mức tăng trưởng này, Việt Nam đã vươn lên để trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Ở vị trí thứ hai và ba lần lượt là Philippines và Malaysia với GDP lần lượt tăng 6,3% và 5,9%.
Tiếp theo là Indonesia với GDP tăng 5,05% và Singapore tăng 2,9%. Thái Lan là nước có mức tăng trưởng thấp nhất trong nhóm với tăng trưởng GDP là 2,3%.
Tăng trưởng đầy thuyết phục
Với kết quả tốt hơn kỳ vọng, trong báo cáo “Vietnam at a glance - Lấy lại hào quang”, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của Ngân hàng HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm 2024 lên 6,5%, thay vì 6% trước đó.
Lý giải cho dự báo này, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho rằng, tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam đã tăng lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây gần như là mức cao nhất trong hai năm đổ lại đây, vượt xa mức kỳ vọng của HSBC cũng như thị trường là 6%.
Không chỉ tăng trưởng đầy thuyết phục, tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng. Lĩnh vực gây ngạc nhiên nhất chính là sản xuất, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này cũng được phản ánh qua tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của quý II, đạt 15% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù sự phục hồi chủ yếu được dẫn dắt bởi mảng điện tử, song các ngành hàng khác cũng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.
"Chúng tôi tin rằng Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn trong năm 2024, nếu tình hình phục hồi tiếp tục lan rộng. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024, một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023", bà Yun Liu cho biết.
Trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 7, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có khả năng sẽ dẫn đầu khu vực (cùng với Philippines) với mức tăng GDP 6,0% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của cả nhập khẩu và xuất khẩu và sự hồi phục của nhu cầu nội địa khi chính sách tiền tệ vẫn duy trì ở mức nới lỏng.
Ngoài ra, tăng trưởng được hỗ trợ bởi các biện pháp tài khóa như việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng và các nỗ lực để thực hiện tốt hơn đầu tư công.
Theo sau là Indonesia với mức tăng trưởng dự báo sẽ đạt 5% trong năm 2024. Tiếp theo là Malaysia, Thái Lan và Singapore, với mức tăng trưởng được dự báo lần lượt là 4,5%, 2,6% và 2,4% trong năm nay.
Cũng phát hành trong tháng 7, báo cáo mới nhất của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã điều chỉnh mức tăng trưởng của Việt Nam lên 6,3% năm 2024, cao hơn 0,3 điểm % so với dự báo 6% hồi tháng 4 vừa qua và là mức cao nhất trong số các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2024.
AMRO dự báo Philippines có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai khu vực ASEAN ở mức 6,1%, tiếp theo là Campuchia với 5,6% và Indonesia với 5,2%.
Nhiều tính bất ổn, bất ngờ và bất thường
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, kinh tế Việt Nam trong tháng 7 (tháng đầu tiên của quý III) tiếp tục đà phục hồi tích cực nhờ rất nhiều yếu tố đến từ bên ngoài.
Cụ thể, trong 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện khoảng 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, khu vực trong nước vẫn còn nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với với con số gia nhập thị trường có độ chênh chưa nhiều. Ngoài ra, đầu tư công dù có nỗ lực nhưng không dễ vượt qua con số của năm ngoái; đầư tư tư nhân đã nhích lên nhưng vẫn ở mức thấp; và mức tăng tiêu dùng đang chững lại.
Do đó, dù khẳng định các tháng quý III và IV sẽ tăng trưởng tốt hơn quý I và II do tính chu kỳ song ông Thành cho rằng bên cạnh nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng mục tiêu cao, Chính phủ cũng phải đặt ra kịch bản môi trường bên ngoài không thuận để xử lý.
"Trên thực tế, kinh tế Việt Nam hồi phục nhờ yếu tố bên ngoài trong khi yếu tố này không thể kiểm soát. Tình hình hiện nay chứa đựng rất nhiều tính bất ổn, bất ngờ và bất thường do yếu tố địa chính trị, có thể có rung lắc của thị trường thế giới”, ông Thành nêu rõ.
Chỉ ra những thách thức đến từ bên ngoài, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam cho biết, nhu cầu toàn cầu suy giảm do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, đặc biệt ở các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam và căng thẳng chính trị trên thế giới vẫn còn tiếp diễn. Cả hai quá trình này sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, tốc độ bình thường hóa lãi suất ở thị trường Mỹ và các nền kinh tế tiến tiến khác sẽ tác động lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.
Trong khi đó, những năm gần đây tốc độ tăng trưởng chậm đã bộc lộ rủi ro về tính dễ đổ vỡ của cấu trúc nền kinh tế Việt Nam như phụ thuộc vào công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu của khối FDI, thị trường vốn còn non trẻ, và sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng.
“Nếu những rủi ro này được giải quyết kịp thời thì Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Vì vậy, Chính phủ cần phải kết hợp cả hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn để thúc đẩy nhu cầu trong nước với biện pháp trong dài hạn để giúp Việt Nam tăng trưởng vững hơn”, Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam khuyến nghị.