Châu Âu đang cởi mở hơn với ý tưởng cấm nhập khẩu dầu Nga
Ngày 7/3, Reuters cho biết Mỹ đang thăm dò các đồng minh trong việc cấm nhập khẩu dầu Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Nhà Trắng đang phối hợp với các ủy ban quan trọng trong Quốc hội để ban hành lệnh cấm của mình. Trong khi đó, một nguồn thạo tin cho biết châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt của Nga, cũng đang trở nên cởi mở hơn với ý tưởng này.
Hiện tại, Ngoại trưởng Blinken của Mỹ đang có chuyến công du khắp châu Âu để phối hợp với các đồng minh trong việc trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow trên đất Ukraine. Ông Blinken cũng cho biết Chính quyền Mỹ đã thảo luận về việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Trong khi đó, Nhật Bản, một nhà nhập khẩu khác của dầu thô Nga, cũng đã từng thảo luận với Mỹ và các nước châu Âu về khả năng cấm nhập khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 7/3, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno từ chối nói về nội dung này.
Trước những áp lực to lớn về chính trị ở cả 2 đảng trong Quốc hội, Mỹ đang tiến dần hơn tới việc cấm vận nhằm vào dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, trong một bài viết trên tờ Washington Post, việc cấm vận dầu của Nga sẽ gây ra những ảnh hưởng không quá lớn đối với nền kinh tế Mỹ. Nga thực chất cũng chỉ là một trong số những quốc gia mà Mỹ nhập khẩu dầu và lượng cũng không đủ để ảnh hưởng tới ngành công nghiệp này của Mỹ.
Trong vai cường quốc xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, Mỹ cần tới tới dầu thô Nga để đáp ứng nhu cầu của một số nhà máy lọc dầu, vốn cần tới loại dầu nhiều lưu huỳnh của Nga để chiết xuất ra loại nhiên liệu hiệu suất cao. Các nhà máy lọc dầu khác của Mỹ, có thể sử dụng loại dầu nhẹ để tạo ra nhiên liệu và không quá phụ thuộc vào năng lượng từ Nga.
Tuy nhiên, điều tương tự sẽ không đúng với các đồng minh của Mỹ. Châu Âu hiện nhập khẩu tới 40% nhu cầu khí đốt và 25% nhu cầu dầu mỏ từ Nga. Việc cấm vận nhằm vào dầu mỏ của Moscow sẽ ngay lập tức gây ra sự hoảng loạn trong ngành công nghiệp này. Châu Âu sẽ không thể tìm ra nguồn cung thay thế ngay lập tức. Thiếu dầu và khí sẽ đẩy hàng triệu hộ gia đình vào tình cảnh thiếu điện và nhiệt để sưởi.
Ngay cả khi cởi mở hơn với ý tưởng trừng phạt nhằm vào dầu mỏ Nga, phương Tây, đặc biệt là châu Âu sẽ phải tính toán kỹ lưỡng khả năng đảm bảo nguồn cung. Việc làm theo chính sách của Mỹ có thể khiến người dân châu Âu, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, phải trả một cái giá cực đắt cho năng lượng và lương thực, vốn đã ngốn gần hết thu nhập của họ ở thời điểm hiện tại.
Mọi tác động đều sẽ hướng về châu Âu
Khi thông tin về khả năng Mỹ và đồng minh cấm vận dầu mỏ Nga lan truyền rộng rãi, giá dầu Brent đã tăng tới 18%, lên gần 140 USD/thùng khi thị trường mở cửa trở lại ở châu Á. Không quá khi nói rằng thị trường năng lượng đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và khiến thế giới sẵn sàng tâm thế cho một cú sốc lạm phát lớn. Thông tin này cũng ngay lập tức thu hút sự chú ý của các nhà phân tích.
Victor Shum, phó chủ tịch của IHS Markit, thuộc S&P Global, cho biết: "Một trong những điều không chắc chắn lớn nhất là sự leo thang chiến tranh kinh tế giữa Nga với phương Tây sẽ ảnh hưởng như thế nào đến dòng chảy của dầu và khí đốt. Các nước NATO hiện đang mua hơn một nửa trong tổng số 7,5 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm tinh chế mà Nga sản xuất mỗi ngày".
Nga xuất khẩu hầu hết khí đốt sang cho EU còn EU nhập khẩu phần lớn khí đốt từ Nga.
Trong khi đó, tồn kho ở Mỹ đã thấp kỷ lục trong khi châu Âu cũng vậy. Chính bởi những điểm này, ông Shum tin rằng cuộc đấu này sẽ có những tác động xáo trộn, thậm chí là những "kết cục không ai mong muốn".
Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd., thì cho rằng nguồn cung của khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày, gồm vận chuyển bằng tàu hay bằng các đường ống, sẽ bị ảnh hưởng khi Mỹ trừng phạt dầu mỏ Nga.
"Châu Âu không có nhiều lựa chọn để thay thế dầu và khí đốt của Nga nên nhiều khả năng họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua dầu và khí tự nhiên trong ngắn hạn", Hynes nói về tác động tiềm năng khi lệnh cấm vận trở thành sự thực.
Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights có trụ sở tại Singapore, thì tin rằng một lệnh cấm vận với dầu mỏ xuất khẩu của Nga có thể đẩy thị trường năng lượng vào tình trạng hỗn loạn tồi tệ nhất mà cuộc đời một người có thể chứng kiến.
"Không biết đâu là cái giá đắt nhất phải trả bởi không ai có lợi trong cuộc chiến này. Khả năng EU đồng ý với lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga là rất thấp ngay cả khi Mỹ làm điều đó. Động thái này có thể khiến châu Âu chìm vào tăm tối nếu Moscow tiến hành trả đũa", Hari nói.
Trong khi đó, việc đàm phán dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Iran đã không có tiến triển đáng kể, đồng nghĩa với dầu từ Iran sẽ chưa sớm được giải phóng ra thị trường để hạn chế tác động với nguồn cung. Về phần mình, việc Nga đóng một đường ống dẫn khí tới châu Âu cho thấy Moscow sẵn sàng dùng tới chiêu bài năng lượng. Và không ai khác, rủi ro lại một lần nữa gọi tên châu Âu.
Tham khảo: Reuters, Bloomberg