Trong bức thư gửi cổ đông công bố tuần trước, tỷ phú Warren Buffett - Chủ tịch Berkshire Hathaway - than phiền rằng ông "hầu như không tìm được khoản đầu tư nào hấp dẫn" trên các thị trường cổ phiếu.
Tuy nhiên, một báo cáo gửi tới Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) quỹ đầu tư Berkshire Hathaway cảm thấy cổ phiếu của đại gia dầu khí Occidental Petroleum rất hấp dẫn.
Theo CNBC, tại ngày 4/3, Berkshire đang sở hữu 91,2 triệu cổ phiếu phổ thông của Occidental. Tính theo giá đóng cửa 56,15 USD/cp, số cổ phần trên có vốn hóa 5,1 tỷ USD.
Trong đó, 61 triệu cổ phiếu được Berkshire mua trong ba ngày giao dịch cuối tuần (2/3 đến 4/3). Giá mua vào dao động từ 47,07 đến 56,45 USD/cổ phiếu. Như vậy chỉ tính trong tuần này, Berkshire đã chi khoảng 3 tỷ USD để gom cổ phiếu dầu khí đúng lúc giá dầu đang lên nhanh.
Động thái này của Warren Buffett được Chủ tịch công ty chứng khoán DNSE Nguyễn Hoàng Giang phân tích cụ thể hơn trong talkshow Khớp lệnh ngày 7/3.
Theo ông Giang, bối cảnh căng thẳng chính trị hiện nay giữa Nga và Ukraine thực ra là một lời cảnh tỉnh đối với phương Tây, câu chuyện về rủi ro an ninh năng lượng. Trong tương lai có thể là xa các đất nước phương Tây chắc chắn sẽ phải có sự dịch chuyển về nguồn cung năng lượng. Xu hướng dịch chuyển này sẽ tạo cơ hội cho các công ty khai thác dầu khí lớn ở Mỹ hoặc các nước khác.
“Đây sẽ là sự dịch chuyển dài hạn. Việc Buffett đầu tư phản ánh cái nhìn dài hạn trong câu chuyện đấy”, ông Giang cho biết.
Khi giá năng lượng cao như thế này thì những đơn vị làm dầu đá phiến hay khí đá phiến ở Mỹ sẽ nhảy vào khai thác. Đấy là những cơ hội cho các doanh nghiệp đấy mà nguồn cung dầu đá phiến ở Mỹ rất tốt.
Định hướng đầu tư vào năng lượng cũng hợp lý thôi bởi vì là trước nay Nga vẫn là nguồn cung lớn trên thế giới. Sau sự bất ổn này sẽ có sự dịch chuyển của những người mua để đảm bảo an ninh năng lượng cho họ.
Điểm thứ 2 được ông Giang phân tích là câu chuyện về cổ phiếu ngành hàng hoá. Tính từ đầu năm đến giờ thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn đi ngang. Trong giai đoạn này những cổ phiếu có câu chuyện đột biến như dầu khí, than, phân bón thì sẽ tạo ra nhu cầu mua cho nhà đầu tư. Ví dụ Nga ngừng xuất khẩu phân bón thì mặt hàng này sẽ tăng giá. Dầu khí đã tăng cũng đã được thể hiện trên thực tế.
Việc tăng giá của cổ phiếu là kỳ vọng trong tương lai. Những mã cổ phiếu ngành dầu khí như PVD, PVS hoặc thậm chí không được hưởng lợi từ tăng giá dầu khí nhưng cả ngành vẫn tăng. Tuy nhiên cũng sẽ có rủi ro. Nếu căng thẳng chính trị dừng lại thì giá dầu chắc chắn sẽ giảm giá và có sự hạ nhiệt.
“Nếu căng thẳng dừng lại trong 1-2 tuần tới thì các nhà đầu tư cũng phải nghĩ đến câu chuyện giá hàng hoá sẽ giảm. Rủi ro các nhà đầu tư phải nghĩ tới. Mình cứ nghĩ mình đầu tư cơ bản, giá tăng mình tính vào nhưng lúc nó giá giảm thì cũng rất sốc và bất ngờ. Đấy là rủi ro khi chơi cổ phiếu hàng hoá thì mọi người phải luôn luôn lưu ý”, ông Hoàng Giang chia sẻ.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 7/3, nhóm dầu khí diễn biến bùng nổ không kém khi PLX, PVC, PCG, POS, BSR, GAS được hưởng lợi nhờ giá khí tăng mạnh, thậm chí PVC, PVB, PVD tăng hết biên độ.
Nhóm cổ phiếu midcaps và penny liên quan đến hàng hoá cơ bản tiếp đà diễn biến tích cực. Cổ phiếu phân bón tiếp tục ghi nhận thêm nhiều mã tăng kịch trần như DCM, DPM, BFC, VAF, LAS, PSW, PMB… Một số cổ phiếu than cũng có được sắc xanh như NBC, TVD, HLC, TC6, THT, TDN tăng trần.