Cơn sốt khiến giá đất tăng phi mã tại nhiều địa phương đầu năm 2021 đã thúc đẩy sự ra đời của không ít nhà đầu tư F0. Dù tham gia thị trường sau và kinh nghiệm không nhiều, tuy nhiên nhà đầu tư F0 lại cực bạo tay khi xuống tiền.
Theo anh Nguyễn Quốc Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), đầu năm 2021 giá đất tăng cao, bạn bè anh tranh nhau đi xem, mua đất. Vì thấy mọi người kiếm tiền từ bất động sản dễ dàng, anh Hưng đã bán hết 30 lượng vàng để bắt đỉnh giá đất.
Anh Hưng kể: “Trước tới nay, gia đình tôi luôn có thói quen tích trữ vàng, cứ có tiền là vợ chồng tôi mua vàng hết và chưa bao giờ có ý định bán ra. Thời điểm đầu năm, giá đất tại nhiều địa phương tăng phi mã, nhiều bạn bè của tôi cũng giàu lên vì đất, tôi thì làm công việc văn phòng thôi nên cũng không có kinh nghiệm đầu tư gì. Thầy mọi người dễ kiếm tiền, nên tôi cũng bán hết 30 lượng vàng để đi mua đất”.
Tháng 4/2021, anh Hưng bán 30 lượng vàng với mức giá 55 triệu đồng/lượng, tổng được 1,65 tỷ đồng. Sẵn tiền trong tay, anh bắt đầu tìm hiểu về thị trường bất động sản tại Bắc Giang. Theo lời môi giới tư vấn thì khu vực Hiệp Hòa (Bắc Giang) giá đất liên tục biến động trong 2 năm nay, chưa ai đầu tư vào khu vực này mà thua lỗ. Thậm chí, có người mới đầu tư chỉ 1 tháng đã lãi 400 - 500 triệu đồng.
“Thực tình, tới tận nơi xem đất, tôi thấy rất đông người mua bán. Nghĩ rằng thị trường này đang có tính thanh khoản rất tốt nên đầu tư sẽ nắm được phần thắng. Hơn nữa, khi đó tình hình dịch bệnh cũng đã ổn định, đất lại đang nóng sốt nên tôi nghĩ sẽ thuận lợi”, anh Hưng nói.
Sau nhiều lần đi lại, anh Hưng đã chốt mua lô đất rộng 150m2, với giá 15 triệu đồng/m2, tổng 2,25 tỷ đồng, trong đó hơn 600 triệu đồng là anh Hưng đi vay. Vừa mua xong 2 tuần, đã có người trả chênh 200 triệu đồng. Tưởng rằng sẽ có thể lãi thêm, tuy nhiên, mọi tính toán của nhà đầu tư này đều đổ vỡ khi các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn sốt đất.
Cộng thêm dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát, Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước thời điểm đó, dẫn đến thị trường bất động sản bị chững lại. Khiến mảnh đất của anh Hưng khó thanh khoản ở thời điểm đó.
“Thực tế thời điểm đó, đất tại Bắc Giang dẫn dễ thanh khoản, nhưng sau khi dịch bệnh bùng phát và lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác khiến thị trường bị chững lại. Đến nay, giá đất tại Bắc Giang vẫn không có biến động, mức giá vẫn đi ngang so với thời điểm sốt đất”, nhà đầu tư này nói.
Theo anh Hưng tính toán, thời điểm này (tính đến ngày 7/3/2022) giá vàng đã lên tới 71,2 triệu đồng/lượng. Nếu so sánh với thời điểm anh bán vàng thì 30 lượng vàng đó anh đã mất hơn 480 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh vẫn phải trả lãi đều hàng tháng số tiền hơn 500 triệu đồng anh vay mua đất, trong khi mảnh đất anh mua vẫn chưa có lãi.
“Bây giờ giá đất không biến động, tình hình thanh khoản cũng không sôi động như trước nên nếu muốn bán nhanh thì phải cắt lỗ, như vậy tôi vừa lỗ tiền bán vàng, vừa lỗ tiền đất và mất tiền trả lãi. Bây giờ chắc chỉ có chờ đến khi thị trường tại khu vực có biến động mạnh”, anh Hưng trăn trở.
Trong khi mảnh đất của anh Hưng vẫn nằm bất động, nhưng hàng ngày theo dõi giá vàng liên tục lập đỉnh mới khiến anh Hưng cảm thấy tiếc nuối.
Theo anh Nguyễn Văn Hải - nhà đầu tư lâu năm kinh nghiệm tại Hà Nội cho biết, thực tế khi thị trường có biến động, mức giá đạt đỉnh thì sẽ có lúc đi ngang, chững lại. Tuy nhiên, lúc nào thị trường lao dốc thì không ai chắc chắn được tất cả.
Bên cạnh đó, anh Hải cũng chia sẻ, thực tế trên thị trường không thiếu trường hợp nhà đầu tư sợ bán hớ nên vẫn chần chừ chưa bán. Nhưng khi thị trường chững lại nhiều người tỏ ra tiếc nuối phải bán hoà, thậm chí là lỗ vốn.
“Trong chuyện đầu tư thì cần phải có sự nhanh nhạy. Để có thể lãi được nhiều nhất thì nhà đầu tư phải tính toán đúng thời điểm mua vào và thời điểm bán ra. Điều này cần rất nhiều thời gian để quan sát thị trường và kinh nghiệm thực chiến lâu năm mới có được”, anh Hải chia sẻ.