CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã DGC) vừa công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 với nhiều nội dung đáng chú ý.
Theo đó, trong năm 2021 tuy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song kết quả kinh doanh của DGC vẫn tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 9.550 tỷ đồng, tăng 53% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 165% lên mức 2.513 tỷ đồng và vượt 128% kế hoạch năm 2021 do ĐHĐCĐ đề ra.
Theo ban lãnh đạo, DGC có được kết quả kinh doanh khả quan nhờ duy trì nhà máy hoạt động hết công suất và đưa mỏ Apatit KT25 vào hoạt động làm giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó thị trường thế giới có nhiều biến động theo hướng có lợi cho các sản phẩm của Tập đoàn.
DGC sẽ trình ĐHCĐ chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 127%, bao gồm 10% cổ tức tiền mặt (đã tạm ứng) và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 117% (phát hành thêm 200,16 triệu cổ phiếu trả cổ tức).
Sang đến năm 2022, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu tăng 26% so với năm 2021, đạt 12.117 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Tập đoàn dự kiến chia cổ tức năm 2022 đạt 30%.
Về dự án mới, Hoá chất Đức Giang đang tập trung cho dự án Đức Giang – Nghi Sơn, tiến hành ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 12/2021 để tăng tổng mức đầu tư lên 10.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý 3/2022. Dự án chung cư Hoá chất Đức Giang cũng đang trong thời gian chờ chính sách mới. Bên cạnh đó, trong năm nay DGC tiếp tục thực hiện xử lý chất thải rắn và liên doanh liên kết để khai thác mỏ mới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gửi tờ trình thông qua phương án phát hành 8,55 triệu cổ phiếu ESOP, chiếm 5% lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cp. Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với thị giá cổ phiếu DGC chốt phiên 7/3 (189.900 đồng/cp).
Số cổ phiếu ESOP này sẽ được chào bán cho nhân viên tập đoàn cùng công ty con và sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ba năm. Thời gian phát hành cũng trong năm nay.
Tiềm năng lớn trong dài hạn
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BSC cũng duy trì quan điểm tích cực đối với hoạt động kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang dựa trên hai quan điểm chính.
Thứ nhất, BSC cho rằng DGC tiếp tục hưởng lợi nhờ giá hàng hóa thế giới cao. BSC cho rằng động lực tăng trưởng chính trong năm 2022 tiếp tục đến từ việc giá bán trên thế giới neo ở mức cao (tương đương mức giá trong Quý 4 năm 2021) tại tất cả các thị trường xuất khẩu (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,…) giúp cho Đức Giang được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, nhu cầu chip (phục vụ cho thiết bị 5G) và xu hướng sản xuất xe điện (phục vụ cho pin) sẽ có tác động tích cực đối với giá Phốt pho. Tuy mức sản lượng chung dự báo sẽ đi ngang trong năm 2022, song cơ cấu sản lượng giữa các sản phẩm có thể thay đổi khi công ty tối ưu hóa nguồn lực (tập trung sản phẩm có biên gộp cao).
Đặc biệt BSC kỳ vọng giá phân bón tiếp tục neo cao trong năm 2022 nhờ nguồn cung tại các nước xuất khẩu phân bón lớn bị hạn chế: Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón, Nga ảnh hưởng xuất khẩu do liên quan đến chiến tranh tại Ukraina. Trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt, DGC kỳ vọng được hưởng lợi khi hoạt động sản xuất không bị ảnh hưởng.
Thứ hai, chi phí sản xuất cắt giảm so với cùng kỳ nhờ khai thác quặng Apatit từ khai trường 25. BSC ước tính chi phí từ việc khai thác quặng Apatit từ Khai trường 25 có thể sẽ làm giảm chi phí khai thác so với việc nhập ngoài khoảng 240 tỷ đồng.