Phỏng vấn xin việc luôn là một trận chiến thực sự và là cửa ải khó nhằn với rất nhiều người, kể cả với những ai đã có kinh nghiệm đi làm và phỏng vấn nhiều lần. Lý do là vì thay vì hỏi những câu hỏi dập khuôn, cứng nhắc, càng ngày các nhà tuyển dụng càng nghĩ ra nhiều "chiêu trò" để thử thách ứng viên, nhằm phân loại và đánh giá kỹ càng hơn. Trong khi những câu hỏi theo công thức, thông dụng mọi người đều có thể tập trước và trả lời na ná như nhau, các tình huống, thử thách lạ, không giống ai càng ngày càng được dân tuyển dụng ưa chuộng.
Mới đây, một người phụ nữ ở Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện đi phỏng vấn thú vị của mình và thu hút sự chú ý bàn luận của nhiều người. Cô gái giới thiệu bản thân là một sinh viên mới tốt nghiệp, mới bước chân vào thị trường lao động lần đầu. Sau khi cố gắng rải hồ sơ xin việc, cuối cùng cô cũng nhận được lời mời phỏng vấn từ một công ty khá ưng ý. Trong buổi phỏng vấn, khi nhận được câu hỏi "Bạn đánh giá như thế nào về kỹ năng giao tiếp của mình?", cô gái trẻ đã tự tin nói rằng cô giao tiếp rất tốt và đây chính là điểm mạnh của bản thân.
Đi xin việc bây giờ có thể phải đối mặt với loạt câu hỏi gây bối rối cao (Ảnh mình họa)
Thế nhưng, sau đó người phỏng vấn không tiếp tục hỏi những câu hỏi liên quan đến công việc hay yêu cầu ứng viên lấy ví dụ, chia sẻ trải nghiệm thực tế như thường thấy mà lại bất ngờ đưa ra một lời yêu cầu kỳ quái: "Bạn có thể đi mua cho tôi một cốc trà sữa rồi quay lại đây chúng ta phỏng vấn tiếp được không?".
Đề nghị không liên quan và có phần đột ngột của nhà tuyển dụng ban đầu đã khiến cô hơi sốc. Trước yêu cầu này, quả thật nhiều người cũng không biết nên ứng xử như thế nào mới là khéo léo.
Có người cho rằng nhà tuyển dụng thiếu sự nghiêm túc, đang tính "lợi dụng" ứng viên ở vị trí thấp cổ bé họng hơn để đòi hỏi. Tuy nhiên, dù sao một cốc trà sữa cũng không đáng giá quá nhiều tiền, việc đi mua cũng không tốn công sức lắm nên nếu ứng viên chạy đi mua cũng không phải quá thiệt thòi, đồng thời còn giúp "lấy lòng" với nhà tuyển dụng ngay lập tức. Đây có thể là một bài kiểm tra để xem ứng viên có sẵn sàng thực hiện các yêu cầu của sếp hay không. Cũng có cư dân mạng cho rằng việc ép ứng viên xin việc đi mua nước cho mình là hành vi tỏ thái độ bề trên, muốn bắt nạt các bạn trẻ mới ra trường.
Mua cốc nước cũng không phải chuyện quá to tát, nhưng nếu nghe lời liệu có phải đang bị bắt nạt? (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cô gái trong câu chuyện đã có hành động không giống với số đông. Thay vì ngu ngốc chạy đi mua trà sữa, cô gái này đã thẳng thừng từ chối người tuyển dụng.
Sau hai giây hơi sững sờ trước yêu cầu, cô ngay lập tức lấy lại bình tĩnh và nói chuyện với thái độ cứng rắn: "Tôi xin lỗi, tôi phải từ chối bạn. Tôi đang ở công ty của bạn tham gia cuộc phỏng vấn chứ đây không phải một cuộc gặp uống trà nước. Tôi chưa phải là thành viên của công ty bạn, tôi đến đây để phỏng vấn, vậy nên tôi mong muốn chúng ta nên thảo luận tập trung vào cuộc phỏng vấn thì hơn".
Sau khi người phỏng vấn bị từ chối, người này không những không tức giận mà còn nở nụ cười tươi nói: "Tuy rằng bạn từ chối tôi nhưng bạn đã thể hiện rõ khả năng nói chuyện và thái độ của mình, điều này cũng chứng tỏ khả năng giao tiếp trong tình huống gấp của bạn không hề tệ".
Cô gái được nhận vào làm vì dám đưa ra lời từ chối (Ảnh minh họa)
Tất nhiên, sau đó cô gái trẻ đã nhận được lời mời đến làm việc tại công ty nhờ màn phản ứng EQ cao của mình. Thực chất, lời từ chối một cách tinh tế, khéo léo của cô gái mới là câu trả lời mà nhà tuyển dụng muốn nghe nhất. Có không ít ứng viên đi phỏng vấn, nhất là các bạn trẻ, ít kinh nghiệm và còn thiếu tự tin thường có tâm lý mình đang đi "xin" nên răm rắp nghe theo lời người tuyển dụng. Việc người ứng tuyển thể hiện sự tự tin và bản lĩnh, không xu nịnh lấy lòng sẽ ghi điểm hơn với những nhà tuyển dụng thông minh ngày nay.
Nguồn: Yahoo Taiwan