Apple “dấn thân” vào mảng tài chính với Apple Pay và sản phẩm thẻ tín dụng dưới sự hợp tác cùng Goldman Sachs Group Inc từ 3 năm trước. Đến nay, tham vọng của Apple dường như lớn hơn thế rất nhiều.
Apple sẽ ra mắt một dịch vụ mua trước – trả sau (buy now, pay latter hay BNPL) ở Mỹ vào cuối năm nay để cho phép khách hàng mua sắm với Apple Pay có thể thực hiện thanh toán bằng cách trả góp làm 4 lần, mỗi lần cách nhau 2 tuần.
Apple là đơn vị trực tiếp thực hiện cho vay, đồng nghĩa với việc Apple sẽ phải chịu lỗ trong trường hợp khách hàng không thể thanh toán. Theo WSJ, một công ty con của Apple đã nhận được giấy phép hoạt động lĩnh vực cho vay ở phần lớn các bang tại Mỹ để cung cấp dịch vụ Apple Pay Later này.
Thực tế, từ lâu, các công ty công nghệ đã nhìn nhận tài chính là cách để củng cố mối quan hệ với khách hàng. Dù vậy, phần lớn chọn cách hợp tác với các đối tác ngân hàng hoặc fintech để triển khai các dịch vụ ở mảng tài chính. Điều này tạo ra sự khác biệt trong kế hoạch của Apple.
Lần này, Apple tự tin với việc sử dụng dữ liệu và công nghệ của mình để phê duyệt các khoản vay của khách hàng trong khi giảm thiểu rủi ro thiệt hại tài chính lớn, theo nguồn tin thân cận với vấn đề. Tương tự một ngân hàng, các ông lớn tài chính sẽ sử dụng báo cáo tín dụng và điểm tín dụng để kiểm tra tình hình tài chính của một người đề nghị vay. Bên cạnh đó, Apple lên kế hoạch sử dụng kho dữ liệu Apple ID khổng lồ của mình để xác thực danh tính và giảm thiểu rủi ro lừa đảo.
Động thái mới thể hiện một thay đổi lớn của Apple bởi mới chỉ cách đây khoảng 2 năm, Apple không thể hiện nhiều mong muốn trở thành một đơn vị cho vay trực tiếp. Thời điểm đó, Tim Cook, CEO Apple, có những sự quan ngại về rủi ro danh tiếng cho công ty. Khi Apple muốn phát hành thẻ tín dụng một vài năm trước đó, Apple đã tìm đến Goldman trong vai trò đối tác phê duyệt khách hàng và cho vay.
Nguồn tin nội bộ nói rằng Apple thay đổi quan điểm của mình một phần là vì giá trị cho vay nhỏ và thời gian thanh toán ngắn. Các phương án cho vay trên mỗi giao dịch của Apple sẽ có giới hạn cao nhất 1.000 USD và số lượng cho vay thực tế sẽ được phê duyệt dựa trên báo cáo và chấm điểm tín dụng cụ thể.
Apple cũng sẽ cân nhắc các thông tin do mình sở hữu để ra quyết định liên quan đến xác thực người dùng và phát hiện lừa đảo. Người vay có Apple ID hoạt động với tình trạng tốt trong thời gian dài và không có dấu hiệu lừa đảo sẽ có khả năng được chấp thuận phê duyệt cao hơn.
Apple cũng nói rằng nó sẽ yêu cầu người dùng liên kế thẻ ghi nợ vào dịch vụ mua trước – trả sau của mình. Các khoản thanh toán sẽ được khấu trừ từ tài khoản ngân hàng tự động mỗi 2 tuần trừ khi người dùng dừng sử dụng dịch vụ. Apple cho biết nó thiết kế dịch vụ mới này “đặt sức khoẻ tài chính của người dùng làm trung tâm”.
Kinh nghiệm của Apple khi triển khai dịch vụ thẻ tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các lãnh đạo cấp cao dấn thân vào mảng mua trước – trả sau, theo WSJ. Theo đó, Apple cho rằng người dùng, cho dù có thể sử dụng thẻ tín dụng, cũng không muốn dùng loại hình thanh toán này để tránh các khoản lãi cao và xu hướng duy trì dư nợ trong thời gian dài. Dịch vụ mua trước – trả sau của Apple không thu lãi và phí phạt trả chậm.
Apple đang cân nhắc kết nối với các nhà bán hàng thông qua mạng lưới của Mastercard. Trong khi đó, Goldman tiếp tục đóng vai trò là một đối tác, đặc biệt là trong việc cấp các số thẻ 16 chữ số mà các nhà bán hàng sẽ nhận được khi khách hàng thanh toán bằng Apple Pay Later.