Theo tờ SCMP, tỷ lệ lạm phát 8,6% trong tháng 5/2022 tại Mỹ, mức cao nhất kể từ năm 1981 đến nay đã khiến nhiều người lo ngại. Trái lại ở bên kia bờ Thái Bình Dương, giá lương thực tại Trung Quốc chỉ tăng có hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thế nhưng 1,4 tỷ người dân của Trung Quốc vẫn đang thắt chặt chi tiêu, nhất là tầng lớp bình dân nghèo. Vậy chuyện gì đang diễn ra?
Giảm lương
Theo SCMP, trong khi Phương Tây vật lộn với lạm phát thì người dân Trung Quốc lại quan tâm nhiều hơn đến tình trạng giảm lương cũng như tương lai u ám của nền kinh tế khi chịu ảnh hưởng lan rộng từ nước ngoài.
"Tình trạng lạm phát trên thế giới đang khá đáng lo ngại và chắc chắn chúng sẽ ảnh hưởng đến giá dầu khí, ngũ cốc nhập khẩu của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay", nhà đầu tư Gong Wentao tại Thâm Quyến nhấn mạnh.
Tờ SCMP nhận định người dân Trung Quốc vẫn tin tưởng vào khả năng ổn định giá cả cơ bản của chính phủ và tỷ lệ lạm phát phi mã ở Phương Tây chắc chắn sẽ không diễn ra.
Tuy nhiên với sự liên kết về thương mại cũng như lo lắng của nhà đầu tư, giá nhà đất, tiền thuê nhà hay thu nhập của người dân chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng, đi kèm với đó là khả năng sa thải và gia tăng thất nghiệp.
"Tất cả những gì chúng tôi có thể làm hiện nay là tiết kiệm chi tiêu, bất kể có chính sách kích thích gì được tung ra đi chăng nữa. Người dân đang khá lo sợ về một cuộc suy thoái dù lạm phát không tăng", anh Wentao nói với SCMP.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng Shen Jianguang của JD Digits nhận định rủi ro lạm phát kèm suy thoái (Stagflation) của nền kinh tế Mỹ cũng như khủng hoảng ở Châu Âu sẽ tác động mạnh đến Trung Quốc qua con đường thương mại. Bởi vậy, chính quyền Bắc Kinh cần phải kích thích kinh tế mạnh hơn bao giờ hết dù lạm phát không tăng.
Trong khi đó, giám đốc Wendy Liu của một hãng nước ngoài tại Thâm Quyến thì vẫn đang cố gắng phân tích rủi ro hiện nay tại Trung Quốc.
"Tôi không biết phải hiểu đúng rủi ro hiện nay của Trung Quốc là gì nữa. Liệu nó là giảm phát hay lạm phát kèm suy thoái?
Trong khi giá một số mặt hàng như rau quả, thiết bị điện tử, hóa đơn ăn nhà hàng đi lên từ đầu năm đến nay thì một số chi phí chủ chốt khác như tiền thuê nhà, giá thịt hay gạo đều rất ít biến động.
Ở một khía cạnh khác, phần lớn bạn bè của tôi đã giảm thu nhập kể từ năm 2020 đến nay. Bản thân tôi dù vẫn sống ổn nhưng không thể duy trì được chất lượng sống như trước đây nữa", cô Wendy thừa nhận.
Theo một cuộc khảo sát trên mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc là Weibo, hơn 56,1% số người được hỏi cho biết họ đã bị giảm thu nhập kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay.
Mặc dù các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn hay tiền thuê nhà ít biến động nhưng phần lớn tầng lớp trung lưu tại các thành phố vẫn phải cắt giảm chi tiêu do thu nhập hạ thấp. Thêm nữa, một số chi phí như ăn nhà hàng, xem phim cũng tăng giá khiến nhiều người phải từ bỏ những thú vui xa xỉ của mình để thắt chặt hầu bao.
Theo SCMP, việc người tiêu dùng hạn chế chi tiêu còn nhà đầu tư không chịu bỏ vốn sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Ngoài ra, dù có giảm chi tiêu thì những khoản tín dụng như bất động sản thế chấp vẫn phải trả. Hệ quả là nợ nần ngày một nhiều hơn.
Báo cáo của Viện phát triển tài chính quốc gia Trung Quốc (NIFD) cho thấy tỷ lệ nợ hộ gia đình trên tổng thu nhập đã tăng mạnh từ chưa đến 5% năm 2000 lên 62,2% cuối năm 2021, vượt qua cả Đức và tiến gần sát với Nhật Bản.
"Tốc độ tăng nhanh của tỷ lệ nợ hộ gia đình trên tổng thu nhập sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính", báo cáo của NIFD cảnh báo.
Ngoại lệ
Số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) cho thấy có đến 60% các nền kinh tế phát triển có mức lạm phát thường niên vượt 5%. Con số 60% này là tỷ lệ cao nhất kể từ thập niên 1980 và đang khiến hàng loạt ngân hàng trung ương lo lắng bởi mức lạm phát tiêu chuẩn chỉ vào khoảng 2%.
Thậm chí hơn một nửa số nền kinh tế mới nổi có tỷ lệ lạm phát vượt 7%. Hiện vẫn chỉ có Trung Quốc và Nhật Bản là ngoại lệ.
Câu chuyện Trung Quốc chống lạm phát tốt đang khiến nhiều chuyên gia kinh tế phải chú ý khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 chỉ tăng 2,1%. Con số này trong tháng 3 là 1,5% và tháng 1/2022 là 0,9%.
Năm 2021, CPI của Trung Quốc chỉ có 0,9%, thấp hơn so với mức 2,9% của năm 2019 và 2,5% của năm 2020. Trong năm 2022, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đạt lạm phát quanh mốc 3%.
Số liệu của hãng Wind cho thấy Chỉ số giá sản xuất (Product Price Index-PPI), phản ánh giá bán buôn tại các nhà máy, tại Trung Quốc ước tính đạt 6,3% trong tháng 5/2022, thấp hơn so với mức 8% của tháng trước đó.
Trong tháng 4, giá rau xanh tại Trung Quốc đã tăng 24%, hoa quả tươi tăng đến 14,1% nhưng chỉ cố CPI vẫn được giữ vững nhờ giá thịt lợn giảm 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả là nhờ hơn 2 năm tích trữ lương thực của Trung Quốc với những nhu yếu phẩm như ngũ cốc hay thịt lợn.
*Nguồn: SCMP