Tăng sự tự tin
Khi tham gia các môn thể thao đồng đội, trẻ được rèn luyện tinh thần đoàn kết, làm việc nhóm. Đây là một cách tích cực giúp các em kết nối với đồng đội và huấn luyện viên. Đóng góp cho nhóm bất kể ở vị trí nào cũng góp phần thúc đẩy lòng tự trọng và sự tự tin ở trẻ. Trẻ có thể dành lời khen cho người khác hoặc nhận được sự công nhận từ đồng đội, huấn luyện viên với những nỗ lực của mình.
Xây dựng mối quan hệ bền chặt
Khi dành nhiều thời gian tập luyện cùng nhau, các bé trở nên gần gũi hơn với đồng đội. Điều này giúp xây dựng tình bạn thân thiết và gắn bó. Trẻ có thể hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn khi cha mẹ không ở bên. Sự ủng hộ về mặt thể chất và tinh thần này không chỉ xảy ra khi chơi thể thao mà còn trong học tập, cuộc sống.
Phát triển kỹ năng tư duy phản biện
Mỗi tình huống trong thể thao đồng đội đều khác nhau. Chiến thuật, đối thủ, điểm mạnh, điểm yếu đều cần được xem xét. Đôi khi người chơi cần tìm ra cách để ngăn chặn một cầu thủ ngôi sao của đội bạn tấn công hoặc vá lỗi cho đồng đội. Bất kể thách thức là gì, trẻ cần phải có kỹ năng tư duy phản biện để giải quyết vấn đề.
Học cách chấp nhận luật chơi
Đây là một bài học lớn ở mọi lứa tuổi mà không phải ai cũng có thể đối mặt. Trong thể thao đồng đội thường có một trọng tài đưa ra quyết định ở những tình huống phạm lỗi hoặc xung đột. Một số ít trường hợp, phán quyết cuối cùng có thể không xứng đáng hoặc không công bằng. Điều này dạy trẻ rằng trong cuộc chơi, dù quyết định của trọng tài sai hay đúng, bạn không có quyền thay đổi mà còn phải chấp nhận. Sau đó trẻ cần tiếp tục chiến đấu bởi vì những tranh cãi và phàn nàn sẽ chỉ tác động tiêu cực đến hiệu suất thi đấu và kết quả trò chơi.
Rèn khả năng đối mặt với khó khăn
Thực tế, có đôi khi bất kể bạn làm việc chăm chỉ và chuẩn bị kỹ như thế nào, những điều đáng tiếc vẫn xảy ra. Đối với những người gặp phải trải nghiệm này, có thể bị ảnh hưởng tiêu cực về cả về thể chất và tinh thần. Sự lựa chọn duy nhất là tiến về phía trước, thực hiện theo kế hoạch và làm việc chăm chỉ để phục hồi.
Trẻ nên chơi nhiều môn thể thao
Các môn thể thao khác nhau đòi hỏi mức độ khác nhau về kỹ năng, sự tập trung, sức bền và thể chất. Khi chơi nhiều môn thể thao, trẻ có cơ hội tập luyện với nhiều huấn luyện viên và phong cách huấn luyện khác nhau. Điều này giúp trẻ học cách làm việc và tôn trọng các phương pháp đào tạo khác nhau; đồng thời rèn luyện thêm kỹ năng mới liên quan đến thể thao và cuộc sống.
Học cách chấp nhận thất bại
Đây là một bài học quan trọng rút ra từ thể thao và có thể áp dụng vào cuộc sống. Huấn luyện viên giỏi dạy các vận động viên biết thua một cách đàng hoàng và tôn trọng đối thủ, đồng thời luôn rút kinh nghiệm từ mỗi lần thất bại. Trong thể thao, điều quan trọng là trẻ học được cách bắt tay đối thủ sau mỗi trận đấu bất kể kết quả thế nào.
Phát triển tính cách và kỹ năng làm việc nhóm
Làm việc nhóm là kỹ năng được sử dụng cả đời. Vì vậy, học kỹ năng này từ sớm sẽ hữu ích cho trẻ trong tương lai. Chơi các môn thể thao đồng đội khi còn nhỏ cho phép trẻ tham gia vào các tương tác xã hội, làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu, xây dựng các kỹ năng như làm việc nhóm và lãnh đạo. Là thành viên của một nhóm giúp trẻ phân loại điểm mạnh và điểm yếu của chúng.
Xây dựng tính kiên trì
Khi luyện tập và thi đấu thể thao, trẻ có thể gặp những tình huống khó khăn. Điều này giúp trẻ học cách nhận ra vấn đề, nhanh chóng thích ứng với tình huống và giải quyết chúng. Rèn luyện tính kiên trì với loại áp lực này có thể giúp các bé xây dựng kỹ năng ứng phó và tư duy phản biện khi gặp thử thách ở trường hoặc ở nhà. Trẻ sẽ cảm thấy thoải mái với những tình huống áp lực có thể đối mặt trong tương lai như thuyết trình trước đám đông hoặc tham gia những kỳ thi quan trọng.
Rèn tính chăm chỉ
Các vận động viên thành công đều có một điểm chung: rèn luyện chăm chỉ và luôn cống hiến. Tài năng chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong những năm đầu nhưng khi trưởng thành, chính sự nỗ lực mới có thể giúp con vươn lên dẫn đầu. Thực hành liên tục một kỹ năng có thể rất nhàm chán nhưng bạn chỉ có thể thành thạo kỹ năng đó khi tập trung cao độ và chăm chỉ. Đặt mục tiêu, hy vọng và lên một kế hoạch rõ ràng để thành công sẽ giúp trẻ làm việc chăm chỉ, nhờ đó tạo ra sự tự tin, cải thiện kết quả, nâng cao lòng tự trọng.
Kiểm soát cảm xúc
Khi tham gia thể thao đồng đội, trẻ có thể gặp những trận đấu thất bại hoặc không công bằng. Trải qua cảm giác thất vọng và tức giận, đồng thời học cách kiểm soát, điều chỉnh cảm xúc cùng đồng đội sẽ giúp ích cho trẻ trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Xây dựng kỹ năng lãnh đạo
Huấn luyện viên có thể khuyến khích tất cả trẻ em trở thành thủ lĩnh bằng cách yêu cầu từng bé cho cả đội khởi động trước khi tập luyện hoặc luân phiên làm đội trưởng của mỗi trận đấu. Khi có cơ hội làm thủ lĩnh, bé có thể trở nên tự tin hơn, học cách dẫn dắt đồng đội và phát triển các kỹ năng liên quan.
Dạy tính kỷ luật
Các môn thể thao đồng đội đòi hỏi trẻ phải có kỷ luật cả về chiến thuật, tinh thần và thể chất. Do đó, trẻ phải học cách tự kiềm chế, cư xử có kiểm soát trong các tình huống căng thẳng. Sự kỷ luật và đưa ra quyết định tốt sẽ giúp bé có thể đạt được mục tiêu, phát huy hết khả năng khi đối mặt với các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống.
Học cách hợp tác
Mỗi trẻ trong đội đều có kỹ năng và đặc điểm riêng. Huấn luyện viên thường xếp người chơi vào các vị trí phù hợp với khả năng. Điều này giúp các bé học cách hợp tác, làm việc theo nhóm, đồng thời giúp con hiểu rằng có những điều không thể làm một mình và đôi khi phải vị tha.
Các nghiên cứu cho thấy những trẻ tham gia thể thao ít có khả năng bỏ học hoặc dính vào chất gây nghiện; mặt khác có xu hướng xuất sắc trong học tập và tự tin hơn. Thể thao là một cách giúp trẻ em rèn luyện sức khỏe và trí não, ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng hoạt động ở trường và khi trưởng thành.
(Theo Scary Mommy)