Đồng Yen giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm
Người dân Nhật Bản đã dần quay trở lại cuộc sống bình thường mới sau khi các lệnh hạn chế phòng dịch COVID-19 được gỡ bỏ. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với một vấn đề khác đó là đồng nội tệ mất giá.
Trong những tuần gần đây, đồng Yen Nhật giao dịch ở mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD, tỷ giá hiện là hơn 130 Yen đổi 1 USD.
Đồng Yen Nhật. (Ảnh: Getty Images)
Daiso, Can Do - hai chuỗi thương hiệu siêu thị giá rẻ, nổi tiếng với các sản phẩm đều được bán với giá 100 Yen, nay đã phải tăng giá bán lên 150 Yen.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang khiến chuỗi cung ứng bị xáo trộn, cộng với việc đồng Yen yếu làm cho việc nhập khẩu hàng hoá trở nên khó khăn và giá không thể còn cạnh tranh.
"Khoảng 70% hàng hóa của chúng tôi được nhập khẩu từ nước ngoài. Do chi phí vận chuyển rồi giá xăng tăng và đồng nội tệ giảm giá nên chi phí kinh doanh của chúng tôi cao hơn nhiều so với trước đây", ông Goto Koichi - Đại diện bộ phận Đối ngoại của Daiso Japan cho hay.
Nhiều người dân cũng không thấy hài lòng khi đồng Yen mất giá. Chị Trần Hà Vân - Giáo sư công nghệ sinh sống tại Nhật Bản là một trong số đó.
Chị Vân nói: "Số tiền tôi có chắc chắn đã hao hụt đi ít nhiều. Cứ 2 tháng tôi lại gửi tiền về cho cha mẹ tại quê nhà và số tiền đó ngày càng bị ít đi. Tôi cũng muốn mua cho bố mẹ 1 chiếc máy tính, thường chỉ mất 50.000 Yen, nhưng giờ giá tăng lên đến 70.000 Yen".
Người dân, doanh nghiệp Nhật bản vốn không chứng kiến sự thay đổi trong mức sống sinh hoạt, chi tiêu thay đổi trong suốt nhiều năm qua, nay đã bắt đầu cảm nhận được tác động của việc lạm phát toàn cầu gia tăng.
BOJ giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng
Giá trị của đồng Yen so với USD hay và các loại tiền tệ khác đã giảm, một phần do sự ngược chiều trong chính sách tiền tệ giữa Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và các ngân hàng trung ương lớn khác.
Theo tờ Financial times, trong vòng 3 tháng trở lại đây, các ngân hàng trung ương đã có hơn 60 lần công bố tăng lãi suất, nhiều nhất kể từ năm 2000, để tìm cách kiềm chế lạm phát.
Thế nhưng, Nhật Bản lại có tâm thế khác với lạm phát. Trong cuộc họp báo diễn ra hôm thứ 4 tuần qua, ngày 7/6, phản ứng của các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Nhật Bản trước cú sụt giá của đồng Yen lại cho thấy họ đang nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực.
Ông Kuroda Haruhiko - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết: "Nhật Bản hoàn toàn không rơi vào tình trạng bắt buộc phải thắt chặt tiền tệ. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là kiên trì tiếp tục với chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ như hiện tại và từ đó hỗ trợ vững chắc hoạt động kinh tế|".
Như vậy Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kuroda cho biết ông sẽ giữ nguyên mức lãi suất âm 0,1% - mức lãi suất đã được áp dụng từ năm 2016 cho đến nay. Lý do thứ nhất cho việc tiếp tục chính sách tiền tệ siêu nới lỏng là do tỷ lệ lạm phát tại Nhật Bản vẫn còn thấp so với các quốc gia khác trên thế giới.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg)
Mặc dù, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2022 tăng tới 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua. Tuy nhiên, đây lại là tỷ lệ mà nhiều quốc gia khác mơ ước đến. Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ là 8,6%. Anh 9% hay Ấn Độ 7,8%.
Thống đốc BOJ nhấn mạnh, xu hướng tăng lạm phát chủ yếu xuất phát từ việc giá thực phẩm và năng lượng và đây chỉ là xu hướng tạm thời, thiếu tính bền vững.
BOJ dự báo, lạm phát trung bình của nước này trong năm tài khóa 2022 có thể đạt mức 1,9%, nhưng sau đó lại giảm xuống 1,1% trong năm tài khóa 2023 và 2024.
Nguyên nhân thứ hai đó là từ trước đến nay, Nhật Bản vốn luôn phải chịu những áp lực vì giảm phát. Đến mức như tờ Nikkei Asia review nhận định Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dường như tích cực tìm kiếm lạm phát.
Đồng Yen mất giá mang đến những lợi thế gì?
Đối với hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản là tiêu dùng cá nhân và xuất khẩu, chính sách đồng Yen yếu sẽ mang đến cả tác động tiêu cực và tích cực. Sự sụt giảm của đồng Yen sẽ làm tăng giá cả lương thực và năng lượng, tác động tiêu cực tới chi tiêu hộ gia đình.
Nhưng ngược lại, đồng Yen yếu sẽ góp phần tạo thuận lợi xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu của nước này tăng liên. Trung bình trong năm tài khóa 2021 kết thúc vào tháng 3/2022 đã tăng 21,5%, còn riêng trong tháng 4 vừa qua tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng tăng khi đồng Yen rẻ hơn như đối với hãng sản xuất đồ chơi lớn của Nhật Bản là Nintendo, với tỷ giá đồng Yen so với đồng USD rẻ hơn mỗi 1 đơn vị sẽ mang lại lợi nhuận là 1,1 tỷ Yen.
Ngoài ra, đồng Yen rẻ cũng mang lại lợi thế khác đó là hỗ trợ cho sự hồi phục của ngành du lịch Nhật Bản, vốn đóng góp đến 7,5% GDP của Nhật Bản trước khi có dịch. Hiện nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp Nhật Bản vẫn ủng hộ chính sách nới lỏng tiền tệ vì nhìn vào tổng thể nền kinh tế, tác động có lợi là nhiều hơn.
Đồng Yen yếu sẽ góp phần tạo thuận lợi xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu của Nhật Bản tăng liên. (Ảnh minh họa -Ảnh: Báo Đầu tư)
Có thể thấy, lợi ích của việc đồng Yen giảm giá phải được sử dụng một cách khéo léo. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại có thể thấy được tiêu dùng đang trở nên ngày càng nhạy cảm với sự leo thang của giá cả, đặc biệt khi tiêu dùng cá nhân vốn chiếm hơn 50% GDP của Nhật Bản.
Hiện nay một số doanh nghiệp tại Nhật Bản đã bắt đầu tăng giá sản phẩm, chuyển chi phí tăng giá sang cho người tiêu dùng. Để đối phó tác động do giá cả tăng đối với tiêu dùng cá nhân, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói kích thích kinh tế bổ sung, trị giá 13.200 tỷ Yen (hơn 100 tỷ USD).
Gói kích thích này chủ yếu là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân, ứng phó với giá dầu thô tăng cao, nâng trợ cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối xăng dầu lên mức 35 Yen/1 lít xăng và duy trì đến hết tháng 9.
Ngoài ra gói kích thích này còn sử dụng để cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mục tiêu là tái cơ cấu các doanh nghiệp, hướng tới tăng lương cho người lao động.
Các biện pháp hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người dân và trợ cấp xăng dầu được coi là giải pháp ngắn hạn, giải quyết khó khăn trước mắt. Trong khi đó, thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tăng lương cho người lao động là giải pháp mang tính lâu dài, từ đó thúc đẩy tiêu dùng và kích thích sản xuất nhằm tạo ra chu kỳ tăng trưởng mới cho kinh tế Nhật.
Rủi ro lớn nhất trong vấn đề đồng Yen yếu nằm ở sức khoẻ của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Với những chính sách hiện tại, nếu làm được đúng, các nhà hoạch định chính sách có thể hồi sinh tăng trưởng kinh tế Nhật, một đầu tàu đang rất được cần đến cho tăng trưởng ở khu vực châu Á. Nếu làm sai, một cuộc mất giá hỗn loạn của đồng Yen có thể xảy ra, BOJ sẽ phải xoay sở để điều chỉnh chính sách và kinh tế Nhật Bản rất có thể rơi vào suy thoái thêm một lần nữa.