Bao năm qua, xóm phao nằm giữa lòng sông Hồng là nơi cư ngụ của gần 30 hộ gia đình với hơn trăm nhân khẩu.
Họ đến từ nhiều nơi, làm những căn nhà phao chòng chành, neo đậu sát mép sông Hồng để mưu sinh.
Mặc dù sống trong nghèo khó, túng thiếu nhưng người dân khu vực xóm Phao luôn sống rất chân thành, đoàn kết
Từ khắp nơi quần tụ mưu sinh
Chạy dọc cây cầu Long Biên có một lối nhỏ cheo leo chỉ đủ 1 chiếc xe đạp hoặc xe máy lọt qua dẫn xuống bãi giữa sông Hồng.
Tiếp tục men theo con đường nhỏ, lách qua những bãi chuối, tán cây dưới chân cầu Long Biên, PV Báo Giao thông tới được xóm phao nằm ở cuối khu đất thuộc bãi giữa ven sông.
Nơi đây, có khoảng gần 30 ngôi nhà được dựng lên trên mặt nước. Những ngôi nhà được dựng bằng những phao, thùng phi chông chênh dưới mặt nước, sàn nhà, tường nhà là những thanh tre, luồng, gỗ vụn ghép lại, còn mái nhà là những miếng nhựa, tôn cũ kỹ.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, do không có giấy tờ tuỳ thân nên dù người già hay trẻ đều khó tìm được việc làm
“Nhà phải làm bằng những vật liệu nhẹ, dễ nổi, để nước lên là nhà nổi theo”, ông Nguyễn Văn Hải (64 tuổi, người ngụ cư ở xóm phao) cho hay.
Ông Hải vừa đi nhặt ve chai về, đang ngồi nghỉ trước căn nhà phao chỉ rộng chừng 7- 8m2 của mình. Ở tuổi 64, ông không dễ đi làm thuê, bốc vác như những người trẻ ở xóm.
“Do không có đất canh tác, cộng thêm việc không có giấy tờ tùy thân nên người dân ở đây chỉ làm được các công việc thời vụ. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, rất khó để tìm việc. Do đó, nhiều người dân xóm này đi nhặt ve chai, cũng được 10.000 -20.000 đồng/buổi mà đong gạo, không thì chết đói”, ông Hải kể.
Vừa múc những thùng nước đục ngầu ở dưới sông rồi dùng phèn đánh cho nước trong để sử dụng, bà Đào Thị Phương Nga, một cư dân khác của xóm phao chia sẻ, người dân xóm này từ tứ xứ đến đây.
“Nghèo thì đã rõ, không nghèo ai sống cảnh này. Nhưng hầu hết những người đến đây đều từng trải qua những éo le, khốn khó trong cuộc sống, không tấc đất cắm dùi nên lang bạt về chốn này mưu sinh. Ở chốn này, nhiều người vì đồng cảnh ngộ mà lại nên duyên vợ chồng”, bà Nga kể.
Xóm “4 không”
Người dân sử dụng những tấm năng lượng mặt trời để có điện sử dụng sinh hoạt hàng ngày
Theo bà Nga, khu xóm phao này được gọi là xóm “4 không”: Không điện, không nước sạch, không hộ khẩu, không tấc đất cắm dùi.
Đất bãi giữa gần kề là của những người ở Phúc Tân, Ngọc Thụy ra trồng trọt hoặc cho người khác thuê trồng trọt, chứ không phải đất của người dân xóm phao.
“Chúng tôi chỉ ở trên thuyền, ai thuê làm gì thì làm, hoặc nhặt ve chai. Người dân ra trồng rau có lúc cũng thuê chúng tôi trồng, rồi đôi khi cũng cho nắm rau. Thi thoảng có đoàn nào đó xuống tài trợ, còn chủ yếu bà con nơi đây chưa ăn bữa này đã lo bữa sau.
Nhưng được cái, bà con yêu thương nhau, khi nhà có người ốm đau các hộ khác lại hùn hạp tiền đưa đi viện, nhà nào chưa đóng được tiền học cho con, cũng chạy khắp xóm vay được mỗi nhà vài đồng”, bà Nga cho biết.
Sống ở xóm phao đã gần 40 năm, bà Thu (65 tuổi, quê Nam Định) kể, cuộc sống xô đẩy bà tới nơi này, gặp người chồng quê ở Lạng Sơn.
Cả hai gá nghĩa với nhau chứ không làm thủ tục hôn thú, nhưng vẫn gắn bó với nhau, cùng nhau đi nhặt ve chai, làm thuê kiếm sống. Những năm gần đây, bà Thu sức khỏe yếu dần, nên thu nhập của gia đình trông vào người chồng.
“Ở đây thì cái gì cũng thiếu cả, nhưng mọi người ở đây luôn rất vui vẻ, sống rất chân thành và đoàn kết với nhau”, bà Thu nói và bày tỏ tâm trạng lo lắng khi nghe tin về việc quy hoạch đất hai bên bờ sông, biến khu vực này thành công viên.
“Nếu bãi giữa này thành công viên, thì chính quyền sẽ giải tán xóm phao này mất. Chúng tôi sẽ biết đi đâu. Ít ra ở đây không phải tốn tiền thuê nhà như những người ở trọ”, bà Thu thở dài.
Người mừng, người lo
Quang cảnh khu vực bãi giữa ven sông Hồng
Mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề xuất nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, điểm đến vui chơi, tham quan du lịch.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay, với lợi thế về giao thông đường sông, cảnh quan mặt nước và cây xanh, khu vực bãi giữa, bãi bồi sông Hồng là điều kiện tốt để phát triển các không gian nhằm phục vụ nhu cầu cộng đồng, đồng thời cũng giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường.
Để kết nối khu vực bãi giữa, bãi bồi với khu vực trung tâm để người dân có thể tiếp cận dễ dàng, quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu mở đường hầm qua đê kết nối phố Trần Nguyên Hãn với khu vực này; triển khai GPMB và mở đường phố Chương Dương Độ…
Thông tin bãi giữa sông Hồng có thể thành công viên được những người dân đang sinh sống, mưu sinh ở đây rất quan tâm. Người thì ủng hộ vì sự phát triển chung, người thì lo lắng cho tương lai sắp tới.
Là người dân phường Ngọc Thụy ra bãi giữa sinh sống, trồng rau bán mưu sinh, ông Nguyễn Văn Trọng cho hay, nếu khu vực này phát triển thành công viên vui chơi, du lịch, những người đang mưu sinh trên bãi giữa cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Tuy nhiên, nếu nơi này thành công viên thì cũng là tiện ích rất tốt, đảm bảo mỹ quan đô thị”, ông Trọng nói.
Đang xới từng luống đất để cho vợ trồng rau muống, ông Minh (người Hưng Yên) cho biết, do không có việc làm ổn định, ông cùng gia đình từ Hưng Yên lên bãi giữa ven sông Hồng để thuê mảnh đất với mục đích trồng trọt, canh tác.
“Gần đây giá xăng liên tục tăng kéo theo việc lân, đạm, thuốc trừ sâu cũng tăng, nhà tôi đang lo làm thì lỗ, giờ chính quyền có kế hoạch lấy đất khu vực này để xây dựng công viên, gia đình tôi cũng thiệt hại do đã đầu tư vườn tược, dựng căn nhà tạm ở bãi giữa này”, ông Minh chia sẻ.
Ông Bùi Chí Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Phát cho biết, hiện khu vực bãi giữa sông Hồng không có điện và nước sạch để sử dụng, người dân chủ yếu sử dụng điện năng lượng mặt trời và nước giếng khoan.
“Theo quan điểm cá nhân của tôi thì tại khu vực này chỉ có thể xây dựng khu sinh thái do nước vẫn có thể ngập lụt theo mùa. Việc xây khu sinh thái ở đây có thể vừa tạo công ăn việc làm cho người dân khu vực, lại vừa có thể phát triển du lịch”, ông Thành nói.
Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND phường Chương Dương cho biết, về việc bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng được phát triển thành công viên thì hiện chưa có quyết định triển khai. Tuy nhiên, nếu dự án được triển khai, người dân xóm phao nên trở về quê nhà hoặc thuê nhà sinh sống. Nếu vẫn tiếp tục sinh sống trên địa bàn phường, người dân phải làm thủ tục tạm trú, tạm vắng theo quy định. |