Cụ thể, VEC sẽ huy động bằng các nguồn vốn hợp pháp theo quy định để mở rộng đoạn cao tốc Yên Bài - Lào Cai dài 83 km, từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Để đảm bảo đồng bộ với mặt đường, VEC dự kiến thi công cầu mới bên cạnh cầu cũ với kết cấu tương ứng với cầu hiện hữu; hầm qua núi thuộc lý trình Km186+200 - Km186+730, dài 530m sẽ xây dựng một hầm mới bên trái với quy mô, kết cấu tương tự hầm hiện hữu.
Đoạn tuyến này cũng sẽ được bổ sung cống chui dân sinh, hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông; đường gom dân sinh, đường phục vụ sản xuất nông nghiệp, hệ thống tiêu thoát nước; kiên cố hóa các vị trí mái taluy có nguy cơ sụt trượt: giải pháp như đào ngả mái, khung bế tông kết họp với gia cố đá hộc xây, phun vữa bê tông, trồng cỏ, tường chắn bê tông...
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe là 8.740 tỷ đồng; trong đó, đầu tư mở rộng 2 làn xe lên 4 làn xe đoạn Yên Bái - Lào Cai là 5.663,718 tỷ đồng; đầu tư tạo nhám đoạn và mở 3 cầu đoạn Nội Bài - Yên Bái là 3.076,326 tỷ đồng.
Theo đánh giá của VEC, sau 8 năm đưa vào khai thác, phân đoạn Yên Bái - Lào Cai có quy mô phân kỳ đầu tư 2 làn xe đã bộc lộ nhiều bất cập.
Tốc độ khai thác thực tế trên đoạn tuyến thấp hơn thiết kế (tốc độ khai thác trung bình trên đoạn chỉ đạt khoảng 50km/h so với tốc độ thiết kế 80km/h) do khó khăn vượt xe mỗi chiều làn dùng hỗn hợp xe tải, xe con (trừ các đoạn đã mở 4 làn xe); tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông do khai thác theo quy mô đường 2 làn xe mà không có dải phân cách giữa.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, các yêu cầu về quy mô, an toàn giao thông trên đoạn Yên Bái - Lào Cai hiện chưa đáp được là một tuyến đường cao tốc hoàn chỉnh và cần nghiên cứu mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe để từng bước đáp ứng yêu cầu hoàn chỉnh đường cao tốc, giảm thiểu tai nạn và va chạm giao thông.
Quyết định duyệt số 3415/QĐ-BGTVT ngày 5/11/2007 của Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1) cũng xác định đầu tư giai đoạn 2 của dự án sau năm 2020. Như vậy, đến nay thời điểm năm 2022 việc nghiên cứu đầu tư xây dựng giai đoạn 2 của dự án là phù hợp với quy định.
Bên cạnh đó, sau khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh Yên Bái và Lào Cai, là đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khi giao thương được thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch… đến nay cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe để từng bước đáp ứng yêu cầu hoàn chỉnh đường cao tốc, tăng tốc độ khai thác, duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi được chấp thuận nội dung đề xuất nêu trên, VEC sẽ lựa chọn tư vấn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, quyết định.
VEC được thành lập tháng 10/2004 với ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư, phát triển và quản lý, bảo trì hệ thống đường cao tốc quốc gia. VEC là mô hình đặc thù đầu tiên là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vừa đầu tư, vừa quản lý khai thác và thu phí hoàn vốn.
Sau hơn 17 năm hình thành và phát triển, đến nay, VEC đã thực hiện đầu tư 540 km thuộc 5 dự án đường cao tốc, đã đưa vào khai thác sử dụng 490km thuộc 4/5 dự án đường cao tốc, chiếm gần 43% tổng chiều dài các tuyến đường cao tốc đang khai thác sử dụng tại Việt Nam hiện nay, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Công tác vận hành, bảo trì, khai thác các tuyến đường cao tốc cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Đến cuối tháng 4/2022, VEC đã phục vụ an toàn và thông suốt gần 297,281 triệu lượt phương tiện, tổng doanh thu thu phí là hơn 22.673 tỷ đồng (chưa VAT), đảm bảo trả các khoản nợ đến hạn theo phương án tài chính được duyệt. Qua đó, VEC cho thấy tiềm lực lớn và khẳng định vai trò nòng cốt trong đầu tư phát triển đường cao tốc quốc gia.