Vị này cho rằng, ĐBSCL có lợi thế về dân số, bằng Vương quốc Bỉ cộng với Na Uy và Phần Lan. Với thuận lợi từ dân số và địa lý là vị thế cạnh tranh lâu dài, ổn định nhưng khu vực này chưa thật sự phát huy được những lợi thế đang có. Vị trí địa lý ĐBSCL khá đặc biệt, là một trong những đồng bằng có giá trị nhất thế giới, mưa thuận, gió hòa, đất đai màu mỡ, tuy nhiên người dân miền Tây vẫn bỏ xứ đi làm những công việc ở nơi khác.
Những tiềm năng to lớn từ ĐBSCL còn quá nhiều dư địa phát triển về mặt giao thông, dư địa phát triển về mặt kinh tế, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên sự chọn lựa như thế nào để tạo ra sự đột phá vì chúng ta không có đủ để cùng làm một lúc, nên cần có sự ưu tiên.
"Tuyến đường sắt cao tốc Tp.HCM - Cần Thơ mang lại đột phá và sự phát triển cho khu vực miền Tây, mang tính chất lột xác cho miền Tây", ông Trần Kim Chung nhấn mạnh.
Nói về lý do tham vọng đầu tư vào tuyến cao tốc này, Chủ tịch CT Group cho hay, do nặng tình với miền Tây. Gần 30 năm trước, Tập đoàn có một công ty xuất khẩu lưới xơ dừa lớn nhất Việt Nam, công ty xuất khẩu gạo qua Đông Âu lớn nhất Việt Nam. Thời gian đó, người của công ty lăn lộn với miền Tây rất nhiều. Giờ này đi xuống miền Tây vì đường sá còn nhiều khó khăn quá. Cho nên trong suốt 2 năm vừa qua, Tập đoàn đã nghiên cứu đề án làm đường sắt cao tốc miền Tây.
Hiện, Tập đoàn đã có Ngân hàng Thế giới (WB) tư vấn và làm việc với các cổ đông có kinh nghiệm trong đường sắt thành công ở Malaysia (đơn vị làm tuyến đường sắt nối liền giữa Malaysia và Singapore. Về chi tiết cụ thể dự án, doanh nghiệp sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ, Bộ GTVT. Do là dự án giao thông lớn nên theo doanh nghiệp này sẽ chia thành nhiều giai đoạn để làm, đây mới chỉ là bước khởi đầu.
Cùng với tham vọng này, được biết CT Group còn muốn quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, công nghệ cao và khu đô thị tại miền Tây trong thời gian tới, để phát huy tối đa giá trị của tuyến đường sắt quy mô này.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đã có buổi làm việc với Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) và đơn vị tư vấn về dự án tuyến đường sắt Tp.HCM – Cần Thơ. Tuyến đường sắt này dài 174 km có tổng vốn 7 tỷ USD, phải được đầu tư sớm, khởi công chậm nhất trước năm 2030. Mục tiêu trọng tâm của đường sắt cao tốc Tp.HCM – Cần Thơ là vận chuyển hàng hóa cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để kết nối, phát triển với Tp. HCM và các khu vực khác trong cả nước.
Theo TS, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, mấu chốt để nối kết đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ, là đường sắt cao tốc Tp.HCM - Cần Thơ. Mối quan hệ kinh tế giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tp.HCM là quan hệ chiến lược, chủ chốt và lâu dài. Không có đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ, miền Tây không thể phát triển. Do đó, việc xây dựng đường sắt cao tốc Tp.HCM - Cần Thơ là rất cấp thiết.
Trước đó, đại diện liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi cho biết, dự án có điểm đầu ở ga An Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối đến ga Cái Răng, TP Cần Thơ. Tuyến dài hơn 174 km, có tổng đầu tư khoảng 7 tỷ USD, đi qua 6 địa phương gồm tỉnh Bình Dương, Tp.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Tp.Cần Thơ với 13 ga.
Theo liên danh tư vấn, kịch bản đến năm 2035, tuyến sẽ đạt hơn 6,4 triệu lượt hành khách và 9,1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm; đến năm 2050 sẽ tăng lên tương ứng là hơn 22 triệu lượt hành khách và 41 triệu tấn hàng hóa. Đơn vị tư vấn cho rằng tuyến cần được hình thành chậm nhất là năm 2034 để đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao trong tương lai.
Hiện, Bộ Giao thông Vận tải lập báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt này giai đoạn 2026-2030. Phương án đưa ra, khi dự án hoàn thành nhà đầu tư khai thác 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao Bộ Giao thông Vận tải.
Theo các chuyên gia, phát triển giao thông mà chỉ dựa vào đầu tư công thì chắc chắn khó lòng đẩy nhanh tiến độ, làm sao huy động doanh nghiệp tham gia vào câu chuyện này không phải đơn giản. Đầu tư phát triển giao thông có đặc thù là vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, thủ tục rất nhiều…