Philippines là một trong những quốc gia có mức tăng lạm phát nhanh nhất Đông Nam Á. Giá năng lượng tăng cao kéo theo giá lương thực phi mã, đẩy lạm phát của Philippines trong tháng 5 là 5,4%, mức cao nhất trong 42 tháng qua tại quốc gia Đông Nam Á này.
Giá thực phẩm và đồ uống không cồn trong tháng 5 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng lạm phát thực phẩm đã tăng tốc lên 5,2 % từ mức 4 % của tháng 4, do giá cá, thịt, cũng như rau tăng nhanh hơn. Chi phí vận tải cũng tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệu ứng lạm phát được cho là tiếp tục gia tăng nếu những cú sốc về nguồn cung kéo dài.
Bộ Nông nghiệp Philippines cảnh báo, một cuộc khủng hoảng lương thực có thể bắt đầu xuất hiện trong nửa cuối năm nay khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và khan hiếm hàng hóa trên thị trường toàn cầu. Chính phủ Philippines lên tiếng trấn an, khẳng định đang nỗ lực để hạ nhiệt mức lạm phát cao.
Đảm bảo nguồn cung
Philippines cho biết, đã gia hạn một sắc lệnh đến cuối năm 2022 nhằm giảm thuế suất đối với gạo nhập khẩu từ các quốc gia bên ngoài Đông Nam Á, với mức thuế ưu đãi được áp dụng là 35% . Mức này tương đương với thuế suất hiện hành đối với gạo nhập khẩu từ các nước láng giềng Đông Nam Á. Việc giảm thuế suất của Philippines được cho là nhằm đa dạng hóa nguồn cung với giá cạnh tranh hơn, trong đó có thị trường gạo Ấn Độ.
Chạy đua kiềm chế lạm phát, chính phủ Philippines cũng cắt giảm thuế suất đối với ngô và thịt lợn, thông báo dỡ bỏ tạm thời thuế nhập khẩu 7% đối với than nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung năng lượng.
Có nhiều lo ngại Philippines sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực phẩm sắp tới và Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết, đã sẵn sàng các biện pháp đối phó, bao gồm tăng nguồn cung thực phẩm và sản lượng. Bộ Nông nghiệp Philippines cũng đang yêu cầu bổ sung thêm tài chính cho chương trình “Plant, Plant, Plant” nhằm hỗ trợ phân bón, thúc đẩy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại địa phương, huy động nguồn thực phẩm nuôi trồng từ người dân và đánh bắt thủy hải sản.
Chính phủ Philippines cũng đã thực hiện các khoản trợ cấp nhiên liệu trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Những quyết định này được cho là nhằm tăng cường nguồn cung thực phẩm và năng lượng, giảm bớt áp lực lạm phát.
Tăng lương tối thiểu cho người lao động
Hỗ trợ người dân đối phó với giá cả gia tăng và cơn bão lạm phát, Chính phủ Philippines cũng quyết định tăng mức lương tối thiểu hàng ngày ở Thủ đô Manila và các khu vực lân cận thêm 33 peso (0,63 USD). Bộ Lao động Philippines cho biết, mức tăng này lên tới 570 peso (10,88 USD)/ngày đối với nhân viên trong lĩnh vực phi nông nghiệp và 533 peso/ngày đối với lao động nông nghiệp.
Quyết định nhằm “bảo vệ khoảng 1 triệu người hưởng lương tối thiểu” đang nhận mức lương quá thấp, cũng như khôi phục “sức mua của những người hưởng lương tối thiểu” trong bối cảnh giá cả hàng hóa leo thang.
Mức lương hàng ngày và mức lương tối thiểu hàng tháng cũng được nâng lên ở Western Visayas - miền trung Philippines, có lợi cho khoảng 375.000 công nhân. Các điều chỉnh tiền lương được đệ trình để xem xét và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày công bố.
Động thái của Ngân hàng Trung ương
Philippines có thể tăng ít nhất 2 lần lãi suất nữa để kiềm chế lạm phát sau quyết định vào tháng trước. Đây là khẳng định của ông Felipe Medalla, dự kiến nhậm chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phillippines vào tháng tới.
Theo ông Medalla, gần như chắc chắn sẽ có một đợt tăng lãi suất trong tháng 6, 90% khả năng có một đợt tăng khác vào tháng 8 và đây có thể chưa phải là đợt tăng lãi suất cuối cùng trong cơn bão lạm phát lần này. Dự kiến, lãi suất cơ bản sau điều chỉnh sẽ là 2,75% so với mức 2,25% hiện tại. Ngân hàng Trung ương dự kiến cân nhắc các quyết định tăng lãi suất trong ngày họp vào ngày 23/6 và sau đó là ngày 18/8.
Bất chấp cơn gió ngược lạm phát, nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn nhận định, nền kinh tế Philippines dự kiến tăng trưởng ở mức 5,7% trong năm 2022, một trong số các nước có mức tăng trưởng cao nhất tại châu Á.