Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết mảng bán lẻ (cho vay cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ) sẽ là mảng kinh doanh chiến lược của ACB trong dài hạn.
Bên cạnh đó, ACB cũng là một ngân hàng có chiến lược thận trọng với danh mục tài sản không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, do đó ACB sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ gần đây lên thị trường này.
Mặt khác, cho vay bất động sản chiếm 18% danh mục của ACB tuy nhiên chủ yếu đến từ cho vay mua nhà (15%), vì vậy ACB sẽ không chịu tác động đáng kể nào trước động thái giám sát chặt chẽ các khoản vay vào lĩnh vực bất động sản.
Nói cách khác, mô hình ngân hàng thận trọng và bền vững của ngân hàng đã giúp ngân hàng vượt qua sự khó khăn trước các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn trên thị trường vốn Việt Nam.
Nhóm chuyên gia kỳ vọng ACB sẽ tiếp tục tăng trưởng cho vay 17% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2022-2023, trong đó mảng bán lẻ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng là 18%. Tuy vậy, ACB sẽ có những bước đi thận trọng hơn trong việc giải ngân cho vay khi tệp khách hàng của ACB chủ yếu là những khách hàng đã chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh vừa qua.
Trong năm 2022, NIM của ACB ước tính giảm 0,33 điểm % xuống 3,68% (từ mức 4% trong 2021) do ảnh hưởng từ việc lãi suất tiền gửi tăng trở lại trong thời gian tới (dẫn đến chi phí vốn tăng) đến từ lạm phát gia tăng và sự cạnh tranh giữa các kênh đầu tư hiện nay.
Theo VNDirect, ngân hàng có khả năng giảm thiểu được rủi ro trên sẽ là các ngân hàng có hệ số CASA cao (chi phí vốn rẻ hơn), khả năng mở rộng cho vay cá nhân (giúp cải thiện lợi suất tài sản), và tỷ lệ LDR thấp.
Hiện tại, ACB ghi nhận hệ số CASA chỉ ở mức vừa phải (26,7% cuối quý I/2022), tỷ lệ cho vay bán lẻ trong tổng danh mục ở mức khá cao là 93%, và tỷ lệ LDR cao 83% (so với hạn mức cho phép là 85%). Vì vậy, chuyên gia cho rằng ACB sẽ khó có thể mở rộng/duy trì biên lãi thuần trong năm nay.
Mặt khác, ACB đã đầu tư lớn vào nền tảng ngân hàng số từ năm 2017 với tầm nhìn ngân hàng số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất, từ đó giúp thúc đẩy tăng trưởng thu nhập từ phí và giảm chi phí hoạt động.
Cho đến nay, ACB đã phần nào thành công với chiến lược này khi ngân hàng ghi nhận tăng trưởng kép 23% cho thu nhập từ phí giai đoạn 2019-21 và tỷ lệ chi phí/thu nhập hoạt động giảm mạnh từ mức 45-50% trong 2016-2020 xuống chỉ còn 33% trong năm vừa qua.
Nhóm phân tích kỳ vọng thu nhập từ phí sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng mạnh 20% so với cùng kỳ trong 2022-2023, nhờ vào mảng phí dịch vụ và bảo hiểm. Tỷ lệ đóng góp của thu nhập từ phí trong tổng thu nhập hoạt động sau đó sẽ tăng lên 15% (từ 10% trong giai đoạn 2018-2020).
Qua đó, lợi nhuận ròng của ACB sẽ tăng 25% so với cùng kỳ trong 2022, đạt 12.000 tỷ đồng tỷ đồng. ROE tiếp tục duy trì ở mức cao là 24%.