An ơi! Đừng bỏ cuộc
Má đã nói câu này với An trong lúc xoa bóp đôi chân teo tóp của đứa con trai duy nhất. Bà không nhớ chính xác mình đã rơi nước mắt bao nhiêu lần, gục ngã ra sao, tuyệt vọng thế nào khi thấy chân anh dần yếu đi, rồi bất động.
Từ một chàng thanh niên cao 1m80, An ngồi trên chiếc xe lăn, thu mình trong thế giới riêng, quẩn quanh với nỗi tuyệt vọng dai dẳng. Cho đến một ngày, anh dũng cảm nói với má: "Má ơi, đừng khóc nữa, con sẽ không bỏ cuộc".
Đặng Hoàng An (31 tuổi) sinh ra trong một gia đình khó khăn tại Long An. Tuổi thơ An trôi qua trên những cánh đồng hanh hao, chứng kiến giọt mồ hôi dãi dầu của ba má để anh được đến trường.
An luôn là một học sinh chăm chỉ, thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm TP.HCM và học tiếp lên Thạc sĩ. Đối với ba má, An là một niềm tự hào.
Năm 2016, khi đang là giảng viên khoa Tâm lý học của trường Đại học Sư phạm TP.HCM, An bị té cầu thang ở nhà trọ. Cú va đập mạnh đã khiến anh chấn thương ảnh hưởng đến tủy, cộng với việc hệ thống miễn dịch suy giảm, tụt canxi, sức khỏe An sụt giảm nghiêm trọng.
Đặng Hoàng An
Đôi chân An rã rời, đớn đau rồi teo tóp dần. Suốt 2 tháng trời, An nằm thiêm thiếp trên giường, lúc lại cắn răng chịu đựng cơn đau buốt tận tim gan. Ngày bác sĩ cho xuất viện vì đôi chân không thể cứu chữa được, An không muốn đi.
Anh không chấp nhận được sự thật rằng, từ một thanh niên khỏe mạnh anh phải tiếp tục đời mình với chiếc xe lăn. Anh nấc thành tiếng mỗi khi thấy ba, một người đàn ông đã tảo tần cả cuộc đời, phải bồng anh lên xe. Anh sợ nhìn thấy giọt nước mắt của mẹ, dẫu bà luôn nói rằng chỉ cần anh được sống, bà có thể nuôi anh cả đời.
Hoàng An từng không chấp nhận việc mình phải ngồi xe lăn
Anh cho biết: "Ba má đi khắp nơi để tìm thầy chạy chữa cho tôi. Từ Bắc vào Nam, từ miền Đông đến miền Tây. Mỗi lần nhận được cái lắc đầu từ phía bác sĩ, đôi mắt của má lại ầng ậc nước. Má vỗ vai tôi và nói: "Không sao đâu con".
Cứ như vậy suốt mấy năm trời, hy vọng rồi cũng lụi tàn khiến tôi buộc phải chấp nhận sự thật rằng mình không đi lại được nữa. Ban đầu, tôi muốn buông xuôi để ba má đỡ khổ. Chiếc xe lăn chỏng chơ góc phòng, tôi không bao giờ đụng đến.
Tôi từng đứng trên giảng đường, nói cho sinh viên nghe về những vấn đề tâm lí. Nhưng khi gặp bi kịch đời mình, tôi hoàn toàn gục ngã. Tôi đấu tranh với bản thân hằng ngày, hằng giờ. Để rồi sau cùng, tôi lại thấy ba má, hai ông bà tóc bạc nhưng vẫn chưa một lần bỏ cuộc và bỏ rơi tôi. Khát khao trong tôi trỗi dậy từ đó. Tôi buộc phải sống tiếp, vì ba má và vì chính bản thân mình".
"Đôi chân tròn" của thầy An
An kể, giai đoạn anh thấy buồn kinh khủng nhất là vào đầu năm học mới. Anh thấy đồng nghiệp đến trường dạy, học trò ríu rít mùa khai giảng... Còn An, anh vẫn ngồi yên với muôn vàn suy nghĩ. "Liệu mình có thể có một cuộc đời hạnh phúc không", An nhủ thầm.
Sau khoảng thời gian giam mình trong nhà, An bắt đầu nhờ ba đẩy ra thăm vườn. Anh nghe tiếng con gà túc tắc ngoài sân, anh thấy luống rau má trồng, thấy vạt nắng mới đổ xuống hiên nhà.
"Cuộc đời ngoài kia vẫn còn đẹp lắm", An nhủ thầm. An tìm đến sách, anh đọc về Nick Vujicic, thầy Nguyễn Ngọc Ký... Họ là minh chứng cho những cuộc đời đẹp mặc dù có muôn vàn khó khăn.
Đặng Hoàng An trong một buổi trò chuyện cùng sinh viên
Anh bắt đầu chấp nhận sống cùng "đôi chân tròn", chiếc xe lăn. Nhờ có nó, An có thể đi nhiều nơi để nghiên cứu mô hình trồng nấm. Thi thoảng, có thời gian rảnh anh lại tham gia các buổi tọa đàm về tâm lí tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
Anh viết những bài tư vấn tâm lí trên báo, chia sẻ lại câu chuyện của mình. Bằng nghị lực và khao khát sống, An đã vượt qua những tháng ngày đầy giông tố.
Sau bao biến cố, anh đã tìm được niềm vui sống
An tâm sự: "Tôi thấy không có đôi chân, mình chỉ bất tiện chứ không bất hạnh. Những ngày đi tìm lại niềm tin sống, tôi có đến những mái ấm của người khuyết tật. Tôi thấy họ còn khó khăn hơn mình nhiều nhưng vẫn không ngừng vươn lên. Bên cạnh đó, ba má là động lực lớn nhất, khiến tôi soi rọi lại chính mình, tôi mà buông xuôi mà ích kỉ lắm. Ba má là chỗ dựa cho tôi lúc tôi bi quan nhất, lạc lõng nhất".
Giảng đường ngập tràn ánh đèn, An từ từ bước vào với "đôi chân tròn". Hàng nghìn sinh viên nhìn An, anh bắt đầu chậm rãi kể về câu chuyện của mình. Rằng trong ngần ấy năm qua, anh đã nhiều lần bị nỗi tuyệt vọng nhấn chìm.
Sau tất cả, An nhận ra mình vẫn còn khao khát sống. "Không còn đôi chân nhưng mình vẫn có đôi tay, trái tim lẫn khối óc. Và bằng cách này hay cách khác, bạn sẽ tự mở được những cánh cổng mới đằng sau mỗi bi kịch ", Đặng Hoàng An nói.