Nhiều bậc phụ huynh than thở giai đoạn chuyển giao giữa mầm non lên tiểu học sẽ gặp phải không ít vấn đề, một trong số đó chính là khả năng tự học của các con. Do đang quen với việc chơi là chính ở cấp bậc mầm non nên việc rèn con vào nếp học là điều không hề dễ dàng. Nắm bắt được tâm lý đó, chị Đặng Yến Thu (hiện đang sống tại Hà Nội) đã chia sẻ loạt kinh nghiệm của bản thân để giúp các con có hành trang tốt hơn khi bước vào lớp 1.
Dưới đây là toàn bộ những chia sẻ của bà mẹ 2 con, các bậc phụ huynh có thể tham khảo để rút ra kinh nghiệm cho mình.
"Thấu hiểu nỗi âu lo của nhiều bậc phụ huynh mỗi khi thấy "con nhà người ta" sắp vào lớp 1 mà nghĩ "ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi" với con mình nên mình xin chia sẻ kinh nghiệm mà mình giúp bé lớn tạo thói quen tự học nhé. Và mình tin đây là những bước siêu đơn giản nhưng đòi hỏi sự kiên trì song bất cứ cha mẹ nào cũng có thể hỗ trợ và làm được để giúp cả nhà cùng TỰ TIN khi có con vào lớp 1.
1. Dạy con ngồi vào bàn học thay vì nằm bò ra sàn
Khi con bạn 3 tuổi hãy thông báo về hoạt động bạn sẽ ngồi vào bàn học cùng con để con chuẩn bị tâm lý. Khuyến khích con cùng ngồi vào BÀN HỌC để chơi, có thể là xếp hình, tô màu, dán sticker, đọc sách…
Hoạt động này sẽ giúp con bạn làm quen với không gian và góc học tập trong 3 năm tới, giúp con hình thành tư thế ngay ngắn, nghiêm túc khi học thay vì nằm, bò ra sàn để học.
2. Duy trì việc ngồi học tại bàn
Duy trì 5-10 phút mỗi ngày ngồi vào bàn học với những hoạt động trên và tăng dần lên. Khi bé 4-5 tuổi có thể ngồi 20 phút hoặc hơn. Kết thúc trước khi con cảm thấy quá chán. Kiên trì thực hành liên tục tối thiểu trong 21 ngày.
Hãy đặt mục tiêu thật đơn giản và dễ thực hiện để chắc chắn rằng bạn và con không bỏ cuộc khi chưa kết thúc 21 ngày.
Con gái lớn của chị Thu.
3. Hãy học cùng con
Hãy chuẩn bị trước một "tiết mục", bài học, trò chơi nào đó bạn muốn tương tác cùng con. Bạn có thể mua những cuốn sách với nhiều trò chơi tư duy não trái, não phải, toán học… Và đừng quên chuẩn bị cả tâm lý sẵn sàng, hào hứng thay vì cạn kiệt sức lực và mệt mỏi sau một ngày làm việc dài nhé.
Nếu học cùng con là điều bạn cảm thấy buộc-phải-làm thì hiệu quả đem lại sẽ không cao. Hãy niệm câu thần chú: "Vào lớp 1 sẽ nhàn lắm, không phải quát mắng nó nữa đâu". Viễn cảnh đó rất tuyệt vời phải không nào?
4. Luôn khích lệ và tỏ ra thích thú với những việc con làm
Tránh kỳ vọng con phải tô đẹp, tô đúng, dán sticker phải đúng vị trí… Mục tiêu của bạn là TẠO THÓI QUEN cho con ngồi vào bàn học chứ không phải làm mọi thứ xuất sắc hay đúng ngay từ đầu trong các hoạt động.
Hãy nhớ là bạn và con là một team, mục đích của 2 mẹ con là chơi thật VUI chứ không phải chơi thật giỏi.
5. Chấp nhận cảm xúc "cả thèm chóng chán" của con
Hãy hiểu rằng sẽ có những ngày con phát hiện ra "âm mưu" của bạn trá hình dưới những hoạt động vui chơi này. Hãy nói với trẻ rằng bạn rất thích ngồi bàn học chơi cùng con và nếu hôm nay con không thích thì mình chỉ chơi 2 phút thôi. Như vậy ít ra chúng ta vẫn đạt mục tiêu là TÍNH LIÊN TỤC.
Sau khi tạo được thói quen tự học cho Mon (bé lớn) nhà mình được hơn 3 năm, mình cảm thấy thật sự rất an tâm kể cả năm nay con vào lớp 1. Không phải lúc nào bé cũng thích học mà vì THÓI QUEN đã giúp bé cảm thấy việc này rất tự nhiên. Việc cảm giác chán nản khi làm một việc gì đó lặp đi lặp lại mỗi ngày là điều rất bình thường. Tất cả người lớn chúng ta ai cũng vậy. Hãy đồng cảm với con. Và hãy coi việc ngồi vào bàn học như hoạt động đánh răng rửa mặt mỗi ngày thì nó sẽ không còn là nỗi sợ của bé và của cả gia đình.
Chúc các mẹ tận dụng thật tốt khoảng thời gian trong mùa hè này để con yêu thích việc học và có thói quen TỰ HỌC".
Chia sẻ thêm về câu chuyện của mình, chị Thu tâm sự: "Mình cho rằng với các bố mẹ có con 4, 5 tuổi hoặc thậm chí đã vào cấp 1 rồi hoàn toàn có thể rèn cho con thói quen tự học. Phụ huynh chỉ cần kiên nhẫn và có kế hoạch rõ ràng thì không bao giờ là muộn để hình thành 1 thói quen tốt cả. Vấn đề chính là ở sự kiên trì của bố mẹ mà thôi.
Bé nhà mình được hướng dẫn từ bé nên bao giờ cũng dễ hơn vì bắt đầu càng sớm càng tốt. Với những bé nghịch ngợm hoặc ưa vận động thì mình sẽ có những hoạt động và cách học thiên về hoạt động hơn để lôi kéo sự hào hứng học tập của con trước. Và tuỳ mỗi bé mình sẽ có số phút ngồi vào bàn phù hợp tránh quá lâu khiến cho bé sợ việc học".
Hy vọng những kinh nghiệm trên sẽ hữu ích cho các bố mẹ đang băn khoăn khi đồng hành cùng con vào Tiểu học.