Đánh giá thị trường bất động sản trong 3 tháng vừa qua, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc Kinh doanh, Tập đoàn Hải Phát - Hải Phát Invest cho biết, tình trạng khách hàng bỏ cọc diễn ra thường xuyên trên diện rộng; tuy nhiên tập trung chủ yếu ở miền Bắc, chiếm đến 60%; còn tỉ lệ bỏ cọc ở miền Trung và miền Nam thấp hơn, ở miền Nam chỉ khoảng 20%.
Phân khúc khách bỏ cọc nhiều rơi vào khoảng giá 10-20 triệu đồng/m2. Còn ở khoảng giá thấp hơn và cao hơn mức này thì ít xảy ra tình trạng bỏ cọc.
Sốt đất, bỏ cọc nhiều nơi, thị trường bất động sản năm 2022 khác biệt và khó đoán... |
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EximRS cho hay, tại thị trường phía Nam, tình trạng sốt bất động sản là có thật; còn tình trạng bỏ cọc chỉ xảy ra ở những vùng mang tính cục bộ chưa có hạ tầng, pháp lý chưa vững, nghĩa là sẽ có những nhóm đầu tư mua vào đất nông nghiệp và mong sẽ ‘lướt’.
“Còn bất động sản vùng ven vẫn đang hấp thu tốt và chúng tôi chưa ghi nhận tình trạng khách bỏ cọc bởi dư địa còn tăng vẫn rất nhiều, tình trạng bỏ cọc chỉ xảy ra ở những vùng cao và với đất nông nghiệp”, bà Tú nói.
Cho rằng, với việc kiểm soát dòng vốn vào thị trường bất động sản, siết quy hoạch, cũng như việc ngân hàng rất cẩn trọng trong việc cho vay bất động sản, áp thuế chuyển nhượng sát giá thị trường… cũng có một số ảnh hưởng với thị trường, nhưng ông Trần Thế Anh, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Thắng Lợi cho hay chỉ ảnh hưởng đối với một số nhà đầu tư ngắn hạn, đầu tư với mục đích lướt sóng hoặc đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều từ ngân hàng.
Theo ông Thế Anh, với những nhà đầu tư dài hạn, có dòng tiền nhàn rỗi thì không bị ảnh hưởng. Thời gian qua, những dự án được bán ra thị trường vẫn ghi nhận tính thanh khoản cao.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản những tháng đầu năm nay có những biến động rất mạnh, các trạng thái thăng, trầm thay đổi liên tục ở nhiều khu vực trên cả nước.
Tình trạng chung của thị trường bất động sản là nguồn cung tiếp tục khan hiếm, ít nguồn hàng đưa ra thị trường. Mặc dù Chính phủ, các bộ ngành đã có nhiều hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc trên thị trường nhưng vẫn chưa thể theo kịp được với xu hướng, sự bùng nổ vì thế đã dẫn đến việc nhiều dự án trên cả nước vẫn đang khó khăn đủ điều kiện đưa hàng ra thị trường.
Chính vì thế, những dự án nào có thể đưa hàng ra thị trường thời gian vừa qua đều trở thành hàng ‘hot’ và thu hút nhà đầu tư. Lượng nhu cầu về đầu tư được mua sắm, đầu tư vẫn rất cao, cũng như dòng vốn trong dân còn rất lớn.
Nguồn hàng khan hiếm, nhu cầu lớn dẫn đến việc giá bị ‘đẩy’ lên, giá tăng nhanh ở nhiều vùng, có nơi thậm chí tăng giá gấp đôi… đây là câu chuyện đã nhìn thấy trên thực tế; đặc biệt thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM không có hàng ra trong giai đoạn vừa rồi là lý do vì sao giá ở hai thị trường này tăng phi mã.
Khi nguồn cung khan hiếm, nhà đầu tưphải tìm cách tạo ra hàng nên thị trường xuất hiện cả ‘hàng lậu’ và hàng giả.
“Hàng lậu là hàng người ta đi gom sổ ở các vùng địa phương, vùng nông thôn rồi gom lại, chia tách thành các lô, thửa nhỏ để bán. Câu chuyện này pháp luật không cấm nhưng hệ lụy tạo ra rất nhiều và chúng ta không khuyến khích bởi việc làm này không sinh lợi cho sự phát triển kinh tế.
Hàng giả là tình trạng nhiều người đi gom đất rừng, đất đồi rồi ‘biến’ thành dự án chia lô, tách thửa mà không được pháp luật thừa nhận. Việc này đã xảy ra ở nhiều địa phương. Quá trình mua đi bán lại tạo sự tăng giá rất mạnh ở một vùng nào đó nhưng không đóng góp cho sự phát triển kinh tế của vùng đó mà chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm đầu tư, đầu cơ cục bộ”, ông Đính nói.
Chính vì thế, sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương thời gian qua đã cơ bản ổn định vấn đề sốt đất, mua bán giao dịch đất tràn lan ở nhiều địa phương, cơ bản tạm ổn định vấn đề bong bóng ở một số địa phương.
Đánh giá năm 2022, thị trường bất động sản khác biệt và khó dự đoán; bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn MIK Group cho hay, nửa đầu năm 2022, nhiều dự án ra hàng và đều bán tốt, thậm chí có dự án gần đây có tốc độ bán gấp 2-3 lần so với những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, có dự án mở bán 1-2 ngày đã có hàng trăm giao dịch…
“Thực tế này cho thấy những sản phẩm phục vụ nhu cầu ở và đầu tư hiện vẫn đang có nhu cầu tốt trên thị trường nói chung và thị trường vùng ven nói riêng”, bà Huệ đánh giá.
Ông Đỗ Quý Duy cũng cho rằng, những dự án lớn của các chủ đầu tư uy tín vẫn tạo được tiếng vang tốt với thị trường.
“Năm 2022 là năm khó khăn thực sự với thị trường bất động sản, trong đó nguồn cung của thị trường không được tốt như các năm trước, nguồn cung hạn chế, giảm đến 50-60% so với 2 năm trước. Tuy nhiên, nguồn tiền trên thị trường buộc phải vận động, bất động sản ở Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ đi lên trong chuỗi thời gian dài, tôi cho rằng tâm lý đầu tư bất động sản ở Việt Nam vẫn tốt trong nhiều năm tới.
Với nguồn cung hạn hẹp, với chủ đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, có thương hiệu tốt và có tệp khách hàng đã phát triển nhiều năm, tôi cho rằng năm 2022 lại là thời điểm thuận lợi với họ khi ra hàng, tạo sức hút của thị trường”, ông Duy nhận định.