Tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2 ngày 9-1, với 386/473 đại biểu có mặt tại hội trường biểu quyết tán thành (chiếm 77,82%), Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh , chữa bệnh (sửa đổi).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trước khi được Quốc hội thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ về nội dung liên quan đến Hội đồng Y khoa quốc gia, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã chỉ đạo "thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia" và coi đây là một trong các giải pháp quan trọng để phát triển chất lượng nguồn nhân lực y tế.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Theo bà Nguyễn Thuý Anh, kinh nghiệm phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy Hội đồng Y khoa Quốc gia là thiết chế cần thiết để chuẩn hóa năng lực của người hành nghề thông qua việc kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người bệnh.
Dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng; quy định các nhiệm vụ của Hội đồng này và giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Về thời hạn của giấy phép hành nghề quy định tại Điều 27, bà Nguyễn Thuý Anh cho biết việc quy định thời hạn của giấy phép hành nghề là 5 năm nhằm thể chế yêu cầu ‟cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn theo thông lệ quốc tế" của Nghị quyết 20/NQ-TW. Mặt khác, quy định này nhằm kiểm soát chất lượng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, tạo căn cứ pháp lý để tăng cường hội nhập quốc tế trong khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, cứ 5 năm 1 lần, người hành nghề chỉ phải cung cấp thông tin chứng minh về sức khỏe, cập nhật kiến thức y khoa liên tục để được gia hạn giấy phép. Về đề nghị gia hạn tự động, do việc cấp lại giấy phép hành nghề cần thời gian thẩm định, rà soát hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật, nên không thực hiện gia hạn tự động mà đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện gia hạn giấy phép hành nghề trực tuyến để bảo đảm tiến độ, thời gian, tính công khai và giảm chi phí.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định Nhà nước định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoài danh mục dịch vụ do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; giao cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm hoàn thiện, ban hành danh mục kỹ thuật chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh kèm theo giá và bổ sung các dịch vụ đã thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà chưa đưa vào danh mục giá để tạo điều kiện hoạt động thông suốt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước quy định, sau tiếp thu ý kiến của đại biểu, Điều 108 đã quy định: "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, trừ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công tư thực hiện theo quy định tại khoản 7 và khoản 9 Điều 110 của Luật này"
Theo bà Nguyễn Thuý Anh, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhất là tự chủ về tài chính chưa rõ ràng; đề nghị làm rõ nguyên tắc tự chủ, "tự chủ theo quy định của pháp luật"; ý kiến khác cho rằng khi quy định tự chủ theo quy định của pháp luật thì các đơn vị này không khác gì hơn so với những đơn vị không tự chủ. Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung một điều hoặc một mục quy định điều kiện để một đơn vị khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện tự chủ.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng ý kiến của đại biểu là xác đáng. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy các vấn đề liên quan đến cơ chế tự chủ nói chung và tự chủ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước nói riêng đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau từ luật đến nghị định của Chính phủ, cần được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện trong thời gian tới. Để có thể giải quyết một cách triệt để thì về lâu dài cần nghiên cứu tổng thể, hoàn thiện chính sách pháp luật về cung ứng dịch vụ sự nghiệp công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ hơn.