Thời sự

SSI: Thị trường BĐS không biến động quá tiêu cực sẽ góp phần giúp kinh tế tăng 6-6,2% năm nay

Trong báo cáo vừa công bố, Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết kết quả tích cực trong năm 2022 cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam, với các động lực nền tảng từ nhu cầu nội địa và ngành sản xuất, chế biến chế tạo.

Tuy nhiên, theo SSI, đà hồi phục này đã, đang và sẽ gặp nhiều trở ngại hơn trong thời gian tới, đến từ cả các yếu tố trong nước và bên ngoài. Trong đó, triển vọng hoạt động thương mại kém tích cực sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp, và chu kỳ đi xuống của bất động sản sẽ tác động tới đầu tư và tiêu dùng trong nước.

Trong kịch bản cơ sở, các chuyên gia tại đây kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2023 ước tính là 6 - 6,2%, với một số giả định như nền kinh tế toàn cầu hạ cánh cứng (nhưng không phải suy thoái kéo dài), các xung đột địa chính trị sẽ cải thiện đáng kể, việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng chống COVID ở Trung Quốc diễn ra suôn sẻ và không có sự biến động quá tiêu cực đối với thị trường bất động sản của Việt Nam. 

Báo cáo còn đề cập đến lạm phát đang tiếp tục tăng tốc. Trong khi lạm phát trung bình trong năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ là 4%, dữ liệu theo tháng cho thấy chỉ số CPI đã bắt đầu tăng tốc mạnh từ quý III/2022 với các yếu tố tác động tăng dịch chuyển dần từ nhóm năng lượng sang nhóm hàng hóa liên quan đến giáo dục và nhà ở.

Điều này cũng khiến cho lạm phát cơ bản tăng mạnh hơn lạm phát chung, và áp lực lạm phát sẽ lớn dần hơn trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt khi xem xét việc điều chỉnh giá các nhóm hàng thuộc quản lý của Chính phủ như điện hay y tế hay từ yếu tố mùa vụ.

Trên thực tế, các kịch bản lạm phát trong năm 2023 từ các cơ quan Chính phủ cũng có sự phân hóa (dao động từ 3,8% - 5%), cho thấy các yếu tố tác động đến lạm phát sẽ khó lường hơn rất nhiều và thậm chí mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đưa ra cũng khá thách thức.  

 

Đánh giá về con số tăng trưởng năm 2022, khối phân tích cho biết xét tổng quát, tăng trưởng GDP trong cả năm 2022 đạt 8,02%, đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1997 và giúp Việt Nam có thể nằm trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Châu Á.

Động lực đến từ hầu hết các khu vực kinh tế chính khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn sau COVID-19, cũng như những yếu tố nền tảng đến từ tiêu dùng nội địa và dòng vốn FDI.

Tuy nhiên, SSI lưu ý rằng ngay cả khi tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022, nền kinh tế vẫn chưa tiến gần đến mức tăng trưởng trung bình trong giai đoạn trước COVID (6,5%/năm), khi tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2020-2022 là ước tính khoảng 4,5%/năm.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm