Công nghệ

Dấu ấn hoạt động Hiệp hội Blockchain Việt Nam năm 2022

Hiệp hội Blockchain Việt Nam ra đời trong bối cảnh nền kinh tế biến động, thị trường blockchain chứng kiến nhiều đợt sóng lớn tại cả Việt Nam và thế giới. Trong thời gian đầu hoạt động, VBA xác định mục tiêu kết nối, định hướng và phổ cập thông tin trong lĩnh vực, trọng tâm là song hành quá trình chuyển đổi số, kinh tế số quốc gia đến năm 2025.

Lễ ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam vào ngày 17/5/2022. Ảnh: VBA

Lễ ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam vào ngày 17/5/2022. Ảnh: VBA

Mới thành lập từ tháng 4/2022, VBA trở thành một trong những điểm nhấn khoa học công nghệ Việt Nam 2022 vì liên tục đẩy mạnh hoạt động. Hiệp hội này công bố dự thảo tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng dự án ứng dụng công nghệ blockchain, phát hành các kỳ Bản tin Blockchain nội bộ và đăng ký thành công bản quyền "Giải thưởng Blockchain". Theo số liệu được công bố, đơn vị hiện có hơn 50.000 thành viên, hơn 20 thành viên điều hành, 80 đối tác chiến lược, đã ký hơn 50 văn kiện hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước, đồng thời tổ chức, đồng hành, bảo trợ truyền thông, tham gia với tư cách diễn giả, khách mời trong hơn 100 sự kiện về blockchain tại Việt Nam.

"Hiệp hội Blockchain Việt Nam được định hướng là tổ chức phi lợi nhuận và tập hợp được các nhà lãnh đạo đa ngành kinh tế tại Việt Nam. Chúng tôi tập hợp cả nhà phát triển blockchain, các nhà đầu tư giai đoạn đầu, các công ty thương mại và những người khác hỗ trợ hệ sinh thái này", bà Nguyễn Vân Hiền, Tổng Thư ký VBA chia sẻ.

Tổ chức này cũng tăng cường phổ cập, kết nối với các cơ quan, nhà hoạch định chính sách, pháp luật và công chúng về công nghệ blockchain và đưa ra đề xuất về sự cần thiết trong việc sớm ban hành quy định để cho phép các dự án, các giải pháp về blockchain hoạt động an toàn, cạnh tranh và phát triển trong nền kinh tế số.

VBA ký kết hợp tác với Hiệp hội Content NFT Hàn Quốc tại hội trường Báo Đầu tư. Ảnh: VBA

VBA ký kết hợp tác với Hiệp hội Content NFT Hàn Quốc tại hội trường Báo Đầu tư. Ảnh: VBA

Thành công trong thời gian đầu còn đến từ việc VBA tích cực hợp tác với các cơ quan quản lý, Bộ, ban ngành, các lãnh đạo để đóng góp ý kiến xây dựng hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam. Tổ chức tham gia nhiều hội thảo, tiêu biểu là "Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam" do Hiệp hội phối hợp cùng Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức ngày 5/8, hội thảo "Tiềm năng ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng" do Bộ Tư lệnh 86 chủ trì ngày 28/9, các hội thảo, tọa đàm chuyên môn của Viện Nghiên cứu Lập pháp, Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM...

VBA tích cực liên kết chuỗi sự kiện mang tính quốc gia như Tuần lễ Chuyển đổi số TP HCM ngày 8 - 14/10, Techfest Vietnam 2022 từ ngày 16 - 18/12, Vietnam Blockchain Summit 2022, ngày 19 - 22/10. "Chúng tôi muốn đồng hành cùng Nhà nước trong tiến trình chuyển đổi số, trong đó blockchain là một phần của bức tranh rộng hơn mà chính phủ đã vẽ ra để đưa Việt Nam bứt phá trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0", đại diện Hiệp hội chia sẻ.

Một mảng khác được Hiệp hội chú trọng là đào tạo nhân lực. Đại diện VBA cho rằng việc đào tạo nguồn lực chất lượng cao góp phần tạo ra công dân số. Đây là yêu cầu bắt buộc cho việc hiện thực hóa ba trụ cột chuyển đổi số là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. "Họ là nguồn lực có kỹ năng công nghệ thông tin, biết sử dụng sản phẩm số để kiến tạo và làm giàu cho nền kinh tế, hiện thực khát vọng chuyển đổi số quốc gia", đại diện VBA nói về tầm quan trọng của việc đào tạo nhân lực chất lượng cao.

VBA có nhiều hoạt động để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực số, phổ cập giáo dục về công nghệ blockchain. Đơn vị giới thiệu tủ sách Blockchain, gồm các tựa sách do chuyên gia trong ngành tuyển chọn và hiệu đính. Các trường như Đại học Ngân hàng TP HCM, Ngoại thương Hà Nội cũng kết nối với đơn vị để đưa blockchain vào đào tạo, giáo dục nhân lực chuẩn bị cho nền kinh tế số.

Ban lãnh đạo VBA góp mặt tại hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam. Ảnh: VBA

Ban lãnh đạo VBA góp mặt tại hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam". Ảnh: VBA

Năm 2022 còn được đánh giá là năm năng động của tổ chức non trẻ như VBA. Đơn vị xây dựng, mở rộng ảnh hưởng của blockchain đến nhiều ngành nghề như ngân hàng, thương mại đồng thời nhận các đóng góp ý kiến từ những chuyên gia trong các ngành truyền thống về việc ứng dụng blockchain. Nhiều tổ chức quốc tế cũng nhận lời hợp tác nhằm chuẩn hóa dữ liệu thị trường, giúp các nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn tổng quan hơn về tiềm năng và cơ hội của blockchain tại Việt Nam.

Đại diện đơn vị cho biết quan điểm của VBA về blockchain là chú trọng quản trị rủi ro và chính sách pháp lý. Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực VBA nhấn mạnh điểm cốt lõi là Việt Nam cần thiết lập tiêu chuẩn đạo đức cho blockchain, hòa nhập và tuân thủ tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền quốc tế. "Các luật sư, chuyên gia của Hiệp hội đang tích cực thảo luận về mô hình đạo đức cho ngành, và VBA có thể tham gia cùng Nhà nước trong vấn đề này nhằm tạo môi trường an toàn, minh bạch", ông Trung khẳng định.

VBA đặt mục tiêu năm 2023 sẽ mở rộng mạng lưới chuyên gia trong các lĩnh vực truyền thống chứ không chỉ riêng chuyên gia về công nghệ. Đơn vị này dự kiến tiếp tục công bố các tiêu chuẩn cho thị trường blockchain, bao gồm tiêu chuẩn nhận diện lừa đảo, tiêu chuẩn về bảo mật thông tin và thúc đẩy cộng đồng phát triển công nghệ blockchain nền tảng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm