Chứng khoán

Hai yếu tố thu hút dòng tiền khối ngoại còn kéo dài được bao lâu?

Tại buổi hội thảo "Tâm thế vững vàng, sẵn sàng vượt sóng" diễn ra chiều ngày 7/1, ông Trần Đức Anh, Giám đốc kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường tại Chứng khoán KB đã có những nhận định về diễn biến của khối ngoại trên thị trường trong năm 2023, vị chuyên gia chia sẻ trong hai tháng vừa qua dòng tiền mạnh mẽ từ khối ngoại là một trong những bệ đỡ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có đà hồi phục tương đối tốt.

Ông Trần Đức Anh chia sẻ tại buổi hội thảo do Finpeace tổ chức. (Ảnh: BTC Finpeace).

Vị chuyên gia cho biết tương tự với dòng tiền trong nước, cần phân biệt giữa dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân. Trong thời gian qua dòng tiền chủ yếu đến từ vận động mua bán chứng chỉ quỹ ETF và phần đông đến từ nhà đầu tư cá nhân Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc…

Trong khi đó đặc điểm dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước hay nước ngoài là có sự biến động rất nhanh, mua nhanh và bán nhanh, do đó cần hiểu được lý do khiến nhà đầu tư cá nhân quyết định mua và những lý do đó có đang tiếp tục được duy trì.

Ông Đức Anh đưa ra hai lý do đó là định giá thị trường hấp dẫn và tăng trưởng vĩ mô Việt Nam cao. Đầu tiên, trong mắt nhà đầu tư nước ngoài thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất hấp dẫn từ những đánh giá về điều kiện vĩ mô, cụ thể định giá P/E vẫn đang ở vùng thấp kỷ lục dù đã có sự phục hồi.

Thứ hai, tăng trưởng GPD Việt Nam năm 2022 là trên 8%, chỉ số này có thể thấp hơn trong năm 2023 do những nguyên nhân khách quan, tuy nhiên những tổ chức thận trọng nhất vẫn đưa ra dự báo tăng trưởng GDP ở mức rất cao từ 5,5% trở lên, ở kịch bản lạc quan có thể đạt 6,5 - 7%. Ngoài ra, một số chỉ tiêu kinh tế khác cũng tương đối tích cực như thu hút vốn FDI, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Khối ngoại sẽ tiếp tục là bệ đỡ cho thị trường trong ngắn hạn

Trả lời cho câu hỏi liệu những yếu tố này trong thời gian tới có mất đi hay không, ông Đức Anh cho biết chỉ có hai lý do để định giá P/E không còn hấp dẫn, đó là thị trường chứng khoán tăng trở lại và nền lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm mạnh.

Vị chuyên gia nhận định hai kịch bản trên là tương đối khó xảy ra do hiện tại chưa có nội lực đủ mạnh để giúp thị trường tăng lên vùng trung tính 1.400 – 1.500 điểm, mặt khác để lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sụt giảm mạnh cũng tương đối khó trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vĩ mô khá tốt mặc dù tồn tại những rủi ro tiềm ẩn liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản hay nợ xấu ngân hàng...

"Khi nào những rủi ro này xảy ra thì chúng ta mới đánh giá cụ thể được chứ không thể dự báo chính xác, hai yếu tố định giá thấp và vĩ mô tăng trưởng cao sẽ không mất đi trong thời gian tới", ông Đức Anh nhận định.

Bên cạnh đó, khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia đang là điểm sáng của kinh tế thế giới, ngược lại nhìn sang châu Âu, Mỹ đang hiện hữu rủi ro suy thoái với mức lạm phát đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Trong khi ở Trung Quốc, đất nước thu hút lượng lớn tiền đầu tư trong những năm trước lại đang áp dụng chính sách Zero COVID, quá trình mở cửa trở lại còn nhiều thách thức.

Do đó khu vực Đông Nam Á đặc biệt là Việt Nam trở thành điểm sáng hấp dẫn nhà đầu tư. Rủi ro trong thời gian tới được ông Đức Anh chỉ ra là nếu Trung Quốc mở cửa trở lại thành công và nền kinh tế của quốc gia này thực sự được hồi phục tốt thì dòng vốn đầu tư có thể chuyển dịch từ khu vực Đông Nam Á sang Trung Quốc, đây là rủi ro làm thay đổi xu hướng đầu tư và nhà đầu tư cần theo dõi.

Vị chuyên gia cho biết thêm do chính phủ Trung Quốc không còn công bố số liệu ca nhiễm COVID-19 hàng ngày nên không thể đưa ra những đánh gía chính xác, do đó cần chờ thêm thông tin từ truyền thông, nhiều nguồn tin không chính thức cho biết số ca nhiễm mới và tử vong ở nước này đang tăng cao, do đó việc Trung Quốc có mở cửa trở lại hay không vẫn là một ẩn số.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm