Diễn biến mới liên quan đến việc bất đồng chiếc ghế chủ tịch tại Tập đoàn Hòa Bình (mã HBC - Hose) là ông Lê Viết Hải muốn bãi nhiệm một số thành viên HĐQT tại đại hội bất thường.
Cụ thể, phía Tập đoàn Hòa Bình đã công bố thông tin với nội dung "ông Lê Viết Hải, cổ đông lớn HBC (tỉ lệ nắm giữ cổ phần là 17,14%) yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường".
Chương trình đại hội cổ đông bất thường dự kiến có bốn nội dung chính là: Thông qua việc bãi nhiệm một số thành viên HĐQT; Thay đổi một số quy định trong điều lệ của công ty; Bầu bổ sung một số thành viên HĐQT mới; "Đính chính và làm sáng tỏ các thông tin tài chính của công ty đã bị nhóm ông Nguyễn Công Phú công bố không chính xác và diễn giải sai lệch".
Đại diện Tập đoàn Hòa Bình chưa tiết lộ về thời gian, địa điểm tổ chức đại hội bất thường cũng như việc bãi nhiệm một số thành viên HĐQT là ai.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về nội dung này, một thành viên HĐQT của Hòa Bình cho biết ông Lê Viết Hải với tư cách là cổ đông lớn có quyền yêu cầu HĐQT thực hiện việc triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường theo điều lệ công ty và Luật doanh nghiệp.
Theo vị này, ông Hải có quyền đề nghị, song điều quan trọng là phải thông qua HĐQT nhưng phía HĐQT Hòa Bình vẫn chưa tổ chức họp để thông qua.
Lùm xùm về quản trị tại Tập đoàn Hòa Bình
Trong các kịch bản có thể xảy ra, nếu HĐQT không đồng ý tổ chức họp, không có văn bản thì không thể tổ chức đại hội bất thường.
Còn nếu HĐQT họp, những nội dung, chương trình nghị sự ông Hải đưa ra phải có những lý giải, ví dụ phải nói rõ lý do vì sao bãi nhiệm HĐQT.
"Cơ quan pháp luật chuẩn bị vào cuộc, trắng đen sẽ rõ ràng", một thành viên HĐQT chia sẻ.
Mặc dù trong thông tin công bố, ông Hải không nêu đích danh bãi nhiệm ai, tuy nhiên liên quan đến lùm xùm về quản trị tại Hòa Bình thời gian qua, nhóm bốn thành viên HĐQT là ông Nguyễn Công Phú, Dương Văn Hùng, Lê Quốc Duy (phó tổng giám đốc Hòa Bình) và Albert Antoine đã từ chối tham gia cuộc họp ngày 31-12-2022 vì cho rằng không đúng điều lệ.