Kỹ năng sống

Mặt tiêu cực của chủ nghĩa cầu toàn

Kết quả thăm dò năm 2022 của tổ chức Gallup cho thấy, 76% công nhân Mỹ cho biết họ đã trải qua cảm giác mệt mỏi và kiệt sức. Theo tiến sĩ Gordon Parker, giáo sư tâm thần học tại Đại học New South Wales (Australia) khi gieo mầm căng thẳng liên quan đến công việc trên mảnh đất của tính cách cầu toàn, sự kiệt sức có khả năng nảy mầm.

Các triệu chứng chính của sự kiệt sức bao gồm cảm giác suy kiệt, mệt mỏi, hoài nghi, giảm hiệu quả hoặc chất lượng công việc, cho dù đó là làm việc ở công sở hay ở nhà.

Ảnh minh họa: Adobe Stock

Ảnh minh họa: Adobe Stock

Chủ nghĩa hoàn hảo (cầu toàn) là gì?

Mặc dù không có định nghĩa chính thức về chủ nghĩa hoàn hảo hay người cầu toàn, Parker cho rằng những người có quan điểm "cố gắng làm mọi thứ tốt nhất có thể", "Tôi đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân và hầu hết những việc tôi đảm nhận", "Tôi yêu cầu bản thân trở thành người giỏi nhất trong mọi công việc tôi làm"... là đặc trưng chung nhất.

Người cầu toàn sống theo quan điểm rõ ràng trắng đen, trong đó, sai lầm nào cũng bị coi là thảm họa. Điều đó không chỉ dẫn đến sự lo lắng tột độ mà còn dẫn đến tình trạng tê liệt khi bất cứ công việc nào không được hoàn thành hoặc bị trễ, do lo sợ sai sót. Đó là lý do tại sao chủ nghĩa hoàn hảo thường gắn liền với sự trì hoãn.

Nhìn bề ngoài, những người cầu toàn luôn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao bởi ban đầu họ thể hiện là người đáng tin cậy, siêng năng, làm việc nhiều giờ. Nếu được yêu cầu nghỉ ngơi, họ sẽ nói không vì "còn nhiều việc phải làm".

Tuy nhiên, tiến sĩ Parker cảnh báo, những người như vậy rất dễ bị kiệt sức và sự trì hoãn, trễ hẹn, khủng hoảng cá nhân... sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc chung. Trong nghiên cứu của mình, Parker đã phát hiện ra rằng những người làm nghề phục vụ như bác sĩ, y tá, giáo viên... có nguy cơ cao nhất bị kiệt sức, liên quan đến chủ nghĩa hoàn hảo. "Ở các nước phương Tây, 30% bác sĩ có khả năng bị kiệt sức bất cứ lúc nào, với nguy cơ tăng lên 60% trong suốt cuộc đời của họ", chuyên gia nói.

Tin tốt là tính cầu toàn không khó chữa. Mặc dù việc yêu cầu những người cầu toàn hạ thấp tiêu chuẩn cá nhân về hiệu quả công việc không dễ dàng, sự thay đổi nhận thức về các tiêu chuẩn có thể mang lại ích lợi.

Nghiền ngẫm về những lỗi lầm trong quá khứ là một mỏ đất cảm xúc khác dành cho những người cầu toàn. Chuyên gia khuyên, hãy nên loại bỏ những suy nghĩ về quá khứ, những nghi ngờ và sự tự buộc tội bản thân. Nếu bạn cảm thấy mình nhất định phải lo lắng, hãy thử một loại kỹ thuật con nhộng trong đó sự lo lắng bị giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày, chẳng hạn 20 phút. Bạn cũng có thể thử kỹ thuật dừng suy nghĩ, bằng cách đeo một sợi dây cao su quanh một cổ tay và giật nó, khi bạn bắt đầu suy nghĩ lại.

Những người cầu toàn cũng có thể học cách thừa nhận sai sót khi chúng xảy ra. Việc có thể làm như vậy sẽ giúp xây dựng hệ thống miễn dịch cảm xúc, khiến bạn ít bị dằn vặt hơn khi đã hoàn thành một công việc kém hoàn hảo.

Chủ nghĩa cầu toàn có đặc điểm hướng ngoại. Họ không chỉ tìm lỗi của bản thân mà còn soi lỗi ở người khác. Parker khuyên những người cầu toàn nên thể hiện cho đồng nghiệp và những người khác sự tha thứ và ân cần.

Nhà tâm lý học Dennis Stolle, giám đốc cấp cao về tâm lý học ứng dụng của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, chỉ ra một vài ví dụ như cha mẹ đòi hỏi trẻ chơi thể thao thật tốt, sếp mong muốn nhân viên phải giỏi mọi nghiệp vụ...

Cả chủ nghĩa cầu toàn và sự kiệt sức đều không bao giờ có khả năng biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể tách rời cả hai, giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn và lành mạnh hơn cho cả bản thân và những người xung quanh.

(Theo Yahoo Life)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm