Bất động sản

Từng kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, môi giới bất động sản tỉnh “ngậm ngùi” đi bán bún bò mưu sinh cận Tết

Từng kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, môi giới bất động sản tỉnh “ngậm ngùi” đi bán bún bò mưu sinh cận Tết - Ảnh 1.

Những môi giới bất động sản (BĐS) như anh V không hiếm gặp lúc này. Nhiều người vất vả kiếm việc chân tay để làm có thu nhập lo Tết cho gia đình.

Anh V có kinh nghiệm gần 5 năm trong lĩnh vực môi giới nhà đất tại thị trường Đồng Nai. Hiện tại, do không bán được hàng, anh đi bán bún bò phục vụ dân cư trong khu vực. Thời điểm từ năm 2018 đến nay, dù thị trường BĐS nhiều biến động, thu nhập của anh vẫn khá ổn định. Thậm chí, có giai đoạn anh kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng từ nghề môi giới. Tuy nhiên, hiện anh lao đao về tài chính khi không có thu nhập. Ban đầu anh nhận đi giao bún bò cho người quen để kiếm thu nhập theo ngày. Hiện tại, vợ chồng anh V ở một quán bún nhỏ ven đường.

Trang cá nhân của anh V, vốn là nơi đăng tin rao bán nhà đất thì hiện tại nhường chỗ cho những hình ảnh bán bún bò, những cuốc xe rao hàng đến cho khách…

“Dù không phải công việc chính nhưng có việc làm ăn lúc này là mừng rồi. Nếu chỉ trông chờ vào nghề môi giới hay đầu tư BĐS thì chết đói. Cả thị trường đất nền khu vực hiện rất chậm”, anh V cho hay.

Thị trường BĐS Nhơn Trạch (Đồng Nai) vốn khá nhộn nhịp giao dịch đất nền. Nhiều môi giới BĐS phất lên từ thị trường này. Tuy nhiên, kể từ thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, hoạt động đầu tư mua bán khu vực chậm nhịp. Đến hiện tại, nhiều môi giới, nhà đầu tư thất nghiệp hoặc kiếm kế sinh nhai ở nghề khác. Theo một môi giới khu vực, giai đoạn từ 2019 đến cuối năm 2021, dù thị trường BĐS ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng sau đó xuất hiện các đợt “sóng”, môi giới vẫn bán hàng đều đặn. Còn hiện nay đa số nhà đầu tư, môi giới không thu nhập, nghỉ Tết sớm.

Anh Q, môi giới kiêm nhà đầu tư lâu năm tại thị trường Nhơn Trạch đã nghỉ Tết hơn tháng nay. Anh vẫn đăng tin bài trên trang cá nhân để rao bán BĐS. Tuy nhiên, theo anh Q, thị trường gần như không xuất hiện giao dịch. Do anh có nguồn vốn nên mở thêm dịch vụ bán đồ phong thuỷ, hay cầm sổ cho những nhà đầu tư kẹt vốn. Thế nhưng, đây không phải là nguồn thu nhập lớn của anh. Với gần 7 năm hoạt động tại thị trường Nhơn Trạch, vừa môi giới, vừa đầu tư đất nền – nhà phố, nguồn tài chính của anh Q đến từ hoạt động này. “Chỉ khi room tín dụng mở thực sự thì BĐS mới có giao dịch trở lại”, anh Q cho hay.

Anh Q cũng là trường hợp hiếm hoi của môi giới BĐS tỉnh khi chưa rơi vào tình cảnh quá khó khăn. Ghi nhận cho thấy, các môi giới bán đất nền tỉnh lân cận Tp.HCM gần như rút khỏi thị trường và chờ đợi. Anh H, một môi giới BĐS chuyên thị trường đất nền khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu đang cố “cầm cự” khi nhiều tháng không có nguồn thu từ nghề.

Từng hoạt động sôi nổi tại thị trường này gần 3 năm nay, hiện anh H rơi vào cảnh nhờ tiền trợ cấp từ người thân. Do chưa lập gia đình nên gánh nặng mưu sinh với anh H đỡ hơn nhiều so với môi giới khác. Qua lời kể của anh H, hiện các anh em làm chung team kinh doanh đợt trước đã nghỉ 70-80%. Đa số đi kiếm việc khác làm, hoặc tạm thời nghỉ việc về quê.

Tìm hiểu được biết, hiện nhiều môi giới tạm nghỉ hoặc bỏ nghề làm công việc khác nhưng cũng có những môi giới nỗ lực bám trụ, chờ sóng thị trường hồi phục.

Mức độ ảnh hưởng của thị trường đến hoạt động của các sàn giao dịch BĐS lộ rõ vào cuối năm. Theo thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng 1.000 sàn giao dịch, hiện gần một nửa trong số này phải đóng cửa. Số còn lại thì khá chật vật để duy trì bộ máy, bao gồm cắt giảm nhân sự - lương đồng loạt, làm việc không chế độ. Nhiều sàn giao dịch không lấy được tiền phí môi giới từ chủ đầu tư nên lâm cảnh khó khăn “chồng chất”.

Theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, mặc dù các doanh nghiệp không công bố nhưng theo khảo sát thống kê thì lực lượng môi giới giảm ít nhất 30% trong hơn 1 năm qua. Có thể nhiều môi giới mất việc bị động do các sàn phải đóng cửa còn lại họ chủ động bỏ nghề, đổi việc vì thấy mình không còn phù hợp.

Theo ông Lâm, thị trường hiện nay có sự phân hóa khá rõ ràng từ chủ đầu tư đến sản phẩm tung ra thị trường. Nếu sản phẩm không đủ pháp lý, không bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn rủi ro thì các sàn sẽ không dám nhận bán. Sản phẩm BĐS hiện nay cũng có tác dụng “thanh lọc” luôn đối tượng khách hàng nên nếu người môi giới tập trung vào nguồn sản phẩm và có phương án tiếp cận khách hàng tốt thì chắc chắn họ vẫn thành công.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm