Phố Wall đã có một phiên đầu tuần đáng quên, khi làn sóng tăng giá kéo dài gần nửa tháng chính thức bị chặn đứng. Cú trượt của giá dầu xuống đáy 4 năm và loạt chính sách thuế quan khó lường từ chính quyền Trump khiến nhà đầu tư đồng loạt tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro.
Đóng cửa phiên giao dịch thứ hai (giờ Mỹ), chỉ số S&P 500 giảm 36,29 điểm (tương đương 0,6%) xuống 5.650,38 điểm, chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp - dài nhất kể từ năm 2004. Chỉ số Dow Jones mất 98,6 điểm (0,2%) còn 41.218,83 điểm, còn Nasdaq lao dốc 133,49 điểm (0,7%) xuống mức 17.844,24 điểm.

Trong phiên đầu tuần, giá dầu bất ngờ lao dốc vì OPEC+ nới tay sản lượng, cổ phiếu công nghệ và năng lượng đồng loạt mất điểm (Ảnh: AP).
Giá dầu tụt đáy 4 năm, cổ phiếu năng lượng lao dốc
Đòn đánh lớn nhất đến từ thị trường dầu mỏ. Giá dầu thô WTI giảm mạnh 3,4% xuống còn 57,13 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2021, sau khi OPEC+ bất ngờ tuyên bố sẽ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày từ tháng 6.
Giá dầu giảm kéo theo hàng loạt cổ phiếu năng lượng lao dốc: Exxon Mobil mất 2,8%, Chevron giảm 2,5%. Toàn bộ nhóm năng lượng trở thành lực cản lớn nhất của S&P 500. Các nhà đầu tư lo ngại việc giá dầu giảm mạnh sẽ bóp nghẹt lợi nhuận, làm chậm lại đầu tư và có thể kéo theo sa thải lao động trong ngành.
Bước sang ngày thứ ba, giá dầu có phần phục hồi nhẹ (tăng 10 cent mỗi loại), nhưng vẫn dao động quanh mức đáy 4 năm. Các nhà phân tích cảnh báo, sự kết hợp giữa sản lượng tăng từ OPEC+ và nhu cầu giảm do bất ổn thương mại Mỹ có thể khiến giá dầu còn nhiều phen lao dốc.
Ngân hàng Barclays mới đây đã hạ dự báo giá dầu Brent năm 2025 xuống 70 USD/thùng và dự báo năm 2026 chỉ còn 62 USD. "Con đường phía trước sẽ rất gập ghềnh", báo cáo của Barclays nhận định, giữa lúc căng thẳng thương mại và chính sách năng lượng đang kéo thị trường theo nhiều hướng trái chiều.
Cổ phiếu công nghệ và tiêu dùng chịu trận, nhà đầu tư hoang mang
Không chỉ năng lượng, nhóm cổ phiếu công nghệ và các đại gia vốn hóa lớn cũng chật vật. Cổ phiếu Apple giảm 3,1% sau thông tin sẽ dời phần lớn dây chuyền sản xuất iPhone sang Ấn Độ. Amazon mất 1,9%, Tesla tụt 2,4%. Nvidia - ngôi sao của đợt tăng giá nhờ AI - giảm 1,8%.
Warren Buffett và Berkshire Hathaway cũng là tiêu điểm khi cổ phiếu công ty này mất 5,1%, mức giảm mạnh nhất trong 15 tháng. Nguyên nhân đến từ thông tin ông Buffett sẽ từ nhiệm ghế CEO vào cuối năm, sau 60 năm lèo lái đế chế đầu tư nổi tiếng nhất thế giới. Dù ông vẫn ở lại với vai trò Chủ tịch, nhà đầu tư vẫn lo lắng về khả năng kế nhiệm và sự thay đổi chiến lược lâu dài của công ty.
Tuy nhiên, "cơn đau đầu" lớn nhất với giới đầu tư không nằm ở dữ liệu tài chính, mà đến từ... mạng xã hội Truth Social của ông Trump. Tại đây, ông bất ngờ tuyên bố sẽ áp thuế 100% với các bộ phim sản xuất bên ngoài nước Mỹ. Dù chưa rõ chính sách này sẽ được thực thi đến đâu, nó đã ngay lập tức khiến cổ phiếu các hãng phim Mỹ chao đảo: Netflix giảm 1,9%, Warner Bros. Discovery giảm 2%.
Ông Trump cũng khiến thị trường khó đoán hơn khi "nói đánh là đánh, nói hoãn là hoãn". Một số thuế mới được công bố trong tháng 4 nay đã bị trì hoãn, trừ các mức thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc. Việc thiếu lộ trình rõ ràng khiến doanh nghiệp không kịp thích ứng, trong khi
"Bất ổn vẫn ở mức cao và dữ liệu kinh tế có thể suy yếu trong các tháng tới, kéo theo biến động thị trường", bà Ulrike Hoffmann-Burchardi, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management cảnh báo.
Giữa bức tranh ảm đạm, ngành giày dép bất ngờ tỏa sáng. Cổ phiếu Skechers tăng vọt 24,3% sau khi có thông tin hãng sẽ được quỹ đầu tư 3G Capital mua lại với giá 9 tỷ USD và trở thành công ty tư nhân. Crocs và Deckers Outdoor - chủ sở hữu thương hiệu Ugg - cũng lần lượt tăng 3,4% và 1,2%.
Thị trường "nín thở" chờ Fed hành động, lo ngại suy thoái quay trở lại
Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và thuế quan, thị trường giờ đây đặt kỳ vọng lớn vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp sắp tới, sau 3 lần cắt giảm liên tiếp trong năm 2024.
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý I/2025 vừa được công bố ở mức âm 0,3% - dấu hiệu tiềm ẩn của một cuộc suy thoái kinh tế nhẹ. Trong khi đó, lạm phát vẫn đang được kiểm soát tương đối tốt, tạo dư địa cho Fed duy trì chính sách tiền tệ ổn định.
Tuy vậy, trong môi trường mà giá dầu biến động, công nghệ bị điều chỉnh, và chính sách của Nhà Trắng liên tục thay đổi, mọi kịch bản đều có thể xảy ra. Giới đầu tư đang giữ tâm lý phòng thủ - chờ đợi rõ ràng hơn từ cả Fed lẫn ông Trump.
Tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh các chương trình cắt giảm thuế, điều chỉnh quy định và định hướng thuế quan của chính quyền hiện tại sẽ phối hợp nhằm thúc đẩy đầu tư dài hạn. "Thị trường tài chính Mỹ có khả năng chống chịu tốt và sẽ vượt qua được những biến động ngắn hạn", ông nói.
Tuy thị trường đang tạm điều chỉnh sau đà tăng kéo dài, nhiều chuyên gia nhận định đây là nhịp nghỉ cần thiết để đánh giá lại các yếu tố vĩ mô và định giá cổ phiếu. "Bất ổn là có thật, nhưng vẫn có nhiều điểm sáng nếu nhìn xa hơn chu kỳ ngắn hạn", bà Ulrike Hoffmann-Burchardi cho biết.