Thị trường chứng khoán đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong tháng 4. CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng thị trường đã phần nào phản ánh cảnh báo từ lợi suất trái phiếu chính phủ tăng cao và các rủi ro liên quan. Cụ thể, thị trường trái phiếu đang phản ánh áp lực lạm phát đến từ việc duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và các chính sách kích thích kinh tế khác để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Hơn nữa, với độ mở nền kinh tế cao, lạm phát trong nước sẽ bị ảnh hưởng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy bởi các rủi ro địa chính trị (như chiến tranh Nga - Ukraine), cũng như chính sách "zero-covid" của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất nhanh sẽ tạo áp lực tăng lãi suất lên các ngân hàng trung ương châu Á nói chung, và Việt Nam nói riêng.
Sự điều chỉnh mạnh vào tháng 4 đã đưa mức P/E của VN-Index về mức trung bình 10 năm. Về mặt lịch sử, mức định giá này là hấp dẫn, tạo cơ hội tích lũy cổ phiếu ở mức giá hợp lý. Ngoài ra, các nhà đầu tư không nên quá bi quan khi các chỉ số vĩ mô vẫn cho thấy nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi.
Các động lực tăng trưởng gồm 1) Chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 có quy mô khoảng 4% GDP tập trung vào chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giảm 2 điểm % thuế GTGT, giảm 2 điểm % lãi suất cho vay cho quy mô dư nợ dự kiến khoảng 1 triệu tỷ đồng mỗi năm; 2) Tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ từ mức nền thấp; 3) Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có ROE tương đối cao (15,8%) với mức P/E hợp lý (14,9 lần). Mức P/E hiện tại của VN-Index mặc dù cao hơn các thị trường cận biên và mới nổi nhưng vẫn thấp hơn nhiều thị trường trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia.
Hơn nữa, với triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp (cả hai đều được dự báo sẽ tốt hơn các thị trường khác), Việt Nam có khả năng duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn. Cụ thể, thị trường vẫn lạc quan về mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2022, với sự đồng thuận cho tăng trưởng EPS của VN-Index vào năm 2022 là 21,3%, cao hơn hầu hết các thị trường trong khu vực, ngoại trừ Philippines (26,3%).
Trong khi đó, các nổ lực giúp cải thiện tính minh bạch của thị trường chứng khoán, cũng như đạt các tiêu chuẩn để được nâng hạng lên thị trường mới nổi, được kỳ vọng sẽ sớm thu hút dòng vốn ngoại trong tương lai gần.
Giữ nguyên dự phóng tăng trưởng EPS gần 22%
Theo kết quả thống kê sơ bộ kết quả kinh doanh quý I, 317 trong số 408 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE, đại diện 79% tổng vốn hóa thị trường, đã có báo cáo kết quả kinh doanh với tổng lợi nhuận sau thuế tăng 32% so với cùng kỳ.
Trong đó, nhiều ngành có mức tăng trưởng ấn tượng trên 20% so với cùng kỳ, ngoại trừ một số ngành bảo hiểm, bất động sản ghi nhận mức sụt giảm mạnh về lợi nhuận; bên cạnh đó, các ngành ô tô và phụ tùng, hàng cá nhân và gia dụng, dầu khí có mức tăng trưởng khiêm tốn.
Theo kết quả ước tính từ kế hoạch kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp, 246 trong số 408 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE, đại diện 88% tổng vốn hóa thị trường, đặt mục tiêu tăng trưởng thận trọng cho năm 2022, với tổng lợi nhuận trước thuế ước tính chỉ tăng 16,6% so với thực hiện năm 2021 (VN30: mục tiêu tăng trưởng gần 13% so với cùng kỳ).
Trong đó, các ngành viễn thông, dịch vụ tiêu dùng, may mặc và trang sức, bgân hàng, bán lẻ, xây dựng cơ bản, phần mềm và dịch vụ được kỳ vọng tăng trưởng trên 20%. Ở chiều ngược lại, các ngành tiện ích, nguyên vật liệu, bảo hiểm được kỳ vọng có kết quả kinh doanh kém khả quan hơn trong năm nay.
Kết quả kinh doanh quý 1 toàn ngành có phần lạc quan hơn trong dự phóng cả năm của nhóm phân tích; tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng của các doanh nghiệp lại có phần thận trọng hơn.
Trên cơ sở đánh giá lại dự phóng, Mirae Asset vẫn giữ nguyên mức dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index tăng gần 22% so với mức tăng 34,8% trong năm 2021.
Nhóm ngành duy trì đà tăng trưởng, có mức kỳ vọng tăng trưởng vượt trội hơn thị trường chung gồm vận tải, dịch vụ tiêu dùng, y tế, may mặc và trang sức, ngân hàng, bán lẻ, phần mềm và dịch vụ.
Đối với vận tải (chủ yếu là hàng không) và dịch vụ tiêu dùng (bao gồm dịch vụ hàng không, khách sạn, du lịch) sẽ có mức tăng trưởng vượt trội trong năm 2022 từ mức nền thấp, hỗ trợ bởi yếu tố mở cửa lại ngành du lịch, và chính sách đi lại giữa các nước dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, lưu ý rằng, dù kỳ vọng mức tăng trưởng khá cao nhưng mức EPS dự báo năm 2022 vẫn thấp hơn so với trước dịch.
Thứ hai, ngành y tế (bệnh viện) sẽ tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng.
Thứ ba, may mặc và trang sức nằm trong số các ngành xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại tư do. Bên cạnh đó, sản xuất trong nước đang dần hồi phục hậu giãn cách xã hội, các nhà máy khôi phục lại công suất ban đầu, kết hợp với nhu cầu bên ngoài cải thiện là các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng năm 2022.
Thứ ba, lợi nhuận năm 2022 của ngân hàng được hỗ trợ bởi: 1) kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm 2022 ở mức 13% YoY để tài trợ cho nền kinh tế phục hồi; 2) nhiều ngân hàng cải thiện tỷ lệ CASA trong năm 2021, tạo cơ sở cho việc duy trì NIM trong năm 2022; 3) rủi ro nợ xấu có thể gia tăng, tuy nhiên, chi phí tín dụng sẽ được giảm bớt phần nào do nhiều ngân hàng đã ưu tiên trích lập dự phòng trong năm trước; 4) triển vọng thu nhập ngoài lãi lạc quan.
Thứ tư, bán lẻ được kỳ vọng tăng trưởng tốt cùng với nhu cầu tiêu dùng nội địa được hồi phục mạnh từ mức nền thấp. Thêm vào đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng được kỳ vọng sẽ giúp kích cầu tiêu dùng hơn nữa trong năm 2022. Cuối cùng, phần mềm và dịch vụ duy trì đà tăng trưởng nhờ xu hướng chuyển đổi số được củng cố.