Khu vực bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) là một khu vực đang có nhiều dự án bất động sản du lịch đang bị vướng mắc, cần được tháo gỡ - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Hội thảo diễn ra ngày 6-5, tại khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), do chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền và phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng chủ trì, cùng với sự tham dự của một số đại biểu Quốc hội.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, nút thắt lớn nhất là các vướng mắc đối với gần 150 dự án bất động sản du lịch với gần 20.000 căn hộ du lịch, 5.000 biệt dự du lịch, tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các dự án bất động sản du lịch đã được chính quyền các địa phương cho phép thực hiện, giao đất đầu tư, xây dựng và tiến hành các thủ tục pháp lý ở các bước khác nhau. Trong đó, có nhiều dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, chủ dự án đã bán căn hộ, biệt thự cho nhiều "nhà đầu tư thứ cấp".
Thực tiễn đã phát sinh vướng mắc, mâu thuẫn vì các sản phẩm của bất động sản du lịch đến nay vẫn hoàn toàn chưa có tên trong Luật đất đai và các luật, văn bản pháp luật liên quan. Do đó, các loại căn hộ này không được cấp giấy chứng nhận về quyền sở hữu tài sản, dẫn đến vướng mắc về mua bán, chuyển nhượng, giao dịch chỉ dưới dạng "hợp đồng góp vốn" hoặc các dạng tự "sáng tạo" thỏa thuận không đảm bảo tin cậy về pháp lý.
TS Cấn Văn Lực (chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và thành viên Hội đồng thành viên chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia), cho biết theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tính đến tháng 9-2021 có tổng số 239 dự án bất động sản du lịch.
Trong đó, các dự án condotel đạt giá trị khoảng 297.128 tỉ đồng; dự án villas đạt giá trị ước tính 243.990 tỉ đồng và dự án shophouse giá trị ước tính khoảng 154.245 tỉ đồng. Tổng giá trị 3 sản phẩm này khoảng 681.886 tỉ đồng, tương đương 30 tỉ USD.
Hiện nay, vẫn theo TS Cấn Văn Lực, các dự án bất động sản và sản phẩm du lịch đó có 5 điểm chưa được là: chưa có tên trong các luật và văn bản pháp luật liên quan; chưa nằm trong quy hoạch phát triển du lịch; chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu (sổ đỏ, sổ hồng); chưa theo kịp nhu cầu và năng lực cạnh tranh quốc tế; chưa đồng bộ, thiếu nhất quán phù hợp với đặc trưng riêng của loại hình bất động sản du lịch đã nêu.
Từ đó dẫn đến khó khăn, phức tạp trong cả việc quản lý nhà nước của các cơ quan, chính quyền các cấp cũng như đối với các nhà đầu tư và cả rủi ro cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã tài trợ vốn, cho vay thực hiện các dự án bất động sản du lịch kể trên và quá trình xử lý nợ xấu hiện nay.
Để gỡ khó, gỡ các vướng mắc pháp lý đó, TS Cấn Văn Lực và một số chuyên gia tham luận kiến nghị trong khi chờ Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản được sửa đổi, công nhận "danh phận" rõ ràng cho loại hình bất động sản du lịch, Chính phủ cần xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ban hành nghị định để tháo gỡ vướng mắc cho loại hình bất động sản này.
Trong đó, cần có quy định tiêu chí cụ thể về từng loại hình sản phẩm và cần làm rõ sở hữu chung, riêng như trường hợp nhà chung cư cũng như quy định về điều kiện chuyển tiếp.
Một khu resort có căn hộ du lịch ở bắc bán đảo Cam Ranh - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Đối với kiến nghị các bộ liên quan ban hành thông tư hướng dẫn để xử lý, gỡ khó cho các loại hình sản phẩm bất động sản du lịch, theo ông Phan Trung Lý - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, thực tế việc ban hành thông tư hướng dẫn sẽ không dễ để các bộ liên quan "dám thực hiện" (vì chưa có quy định pháp luật).
Vì vậy, để giải quyết, tháo gỡ một cách căn bản, theo ông Phan Trung Lý, cần kiến nghị Chính phủ có tổng kết, đánh giá cụ thể về các mặt liên quan đến các dự án, loại hình sản phẩm bất động sản du lịch đang vướng mắc; kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành "nghị quyết đặc thù" để xử lý vấn đề đã nêu.