Sự kiện diễn ra tại Mailand Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, thu hút gần 100.000 lượt khách đổ về trong 5 ngày từ 29/04 đến 03/05, trong đó riêng ngày khai mạc có gần 60.000 người tham dự. Thành công của Lễ hội Kỳ Hoa đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch tỉnh Lạng Sơn phát triển vượt bậc trong tương lai, trở thành sự kiện du lịch nổi bật của vùng Đông Bắc mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: "Lễ hội Kỳ Hoa là câu chuyện được viết riêng cho Xứ Lạng, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với hiện đại. Trong bước chuyển mình, Lạng Sơn vẫn giữ nguyên vẹn những màu sắc bản địa của tự nhiên, lịch sử, văn hóa, con người; đồng thời có những bứt phá, sáng tạo, vươn mình hướng tới tương lai trở thành Thành phố hoa lệ rực rỡ".
Tổ hợp ca - múa thể hiện sắc màu văn hoá dân tộc Lạng Sơn.
Nhiều du khách ấn tượng với chuỗi hoạt động rực rỡ sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc xứ Lạng được tái hiện tại lễ hội từ ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, các trò chơi dân gian đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật như: trích đoạn nghi lễ Lẩu Then, trích đoạn sân khấu hóa Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ; biểu diễn múa sư tử mèo, trình diễn hát giao lưu then…
Những hoạt động này không chỉ giúp du khách thêm hiểu và yêu mến vùng đất Lạng Sơn mà còn tạo cơ hội cho gần 30 nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia biểu diễn được sống trong những giây phút thăng hoa, tự hào khi góp phần gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hoá địa phương.
Đặc biệt, 52 gian hàng triển lãm, trưng bày sản vật, ẩm thực, quà tặng địa phương mang đậm "tinh hoa" xứ Lạng đã thu hút đông đảo du khách trong nước và ngoài nước tại lễ hội.
Ngoài ra, dấu ấn đặc sắc của Lễ hội Kỳ Hoa còn nằm ở chương trình giao lưu, văn hoá nghệ thuật thu hút hàng nghìn du khách thưởng thức. Đặc biệt, tiết mục ca múa "Hương sắc biên cương" được các nghệ sĩ, diễn viên của Trung Tâm Văn Hoá Nghệ Thuật tỉnh Lạng Sơn biểu diễn trong đêm khai mạc Lễ hội đã tạo nên một ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách trong và ngoài nước.
"Tất cả những tiết mục nghệ thuật có tại lễ hội đều lột tả một cách tài tình nét đẹp văn hoá hiếm có với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ ở nhiều vùng dân tộc của Lạng Sơn. Những chiếc khinh khí cầu mang đến tầm nhìn tuyệt đẹp giữa núi rừng Đông Bắc hoà cùng âm nhạc và giọng ca của các nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng", ông Debajit Banerjee, khách du lịch quốc tế cho hay.
Bên cạnh những hoạt động văn hóa nghệ thuật hấp dẫn, lễ hội còn chào đón nhiều du khách cùng gia đình, bà con dân tộc đến vui chơi giải trí với chuỗi hoạt động sôi động như cắm trại quanh hồ, sân chơi tái chế, tập đánh golf, chinh phục mê cung "Theo dấu Kỳ Hoa" hay trải nghiệm bay cùng khinh khí cầu ngắm thiên nhiên xứ Lạng.
Người dân vùng cao lần đầu trải nghiệm bay khinh khí cầu.
Trước đó, hình ảnh khinh khí cầu bay trên bầu trời xứ Lạng đã được nhiều bạn nhỏ ở địa phương tưởng tượng và tái hiện trong bức tranh nhiều màu sắc, nổi bật là tác phẩm "Bay cao ước mơ" của em Triệu Tiến Đạt, lớp 3A2 trường TH&THCS Lê Quý Đôn đạt giải Nhất Giải thưởng Mỹ thuật lần III/2022 do trường tổ chức. Một tháng sau đó, lễ hội Kỳ Hoa đã hiện thực hóa mơ ước đó của các em với 6 quả khinh khí cầu rực rỡ bay trên bầu trời Lạng Sơn.
Khi ước mơ trở thành hiện thực.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết tỉnh đã tích cực quảng bá hình ảnh du lịch của Lạng Sơn đến du khách trong nước và quốc tế. Năm nay là lần đầu tiên tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ hội Kỳ Hoa với định hướng trở thành tâm điểm của ngành du lịch của tỉnh nói riêng và khu vực Đông Bắc nói chung. "Chúng tôi hy vọng sau đợt dịch Covid-19, tiềm năng từ vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc và con người Lạng Sơn sẽ thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp uy tín, thúc đẩy ngành du lịch xứ Lạng phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.
La Porte - sản phẩm shophouse thuộc dự án Mailand Hoàng Đồng được ra mắt vào ngày 29/4/2022.
Sau lễ hội, tuyến Phố Kỳ Hoa cũng được hình thành tại Mailand Hoàng Đồng với mục tiêu xây dựng một điểm đến kỳ thú, hấp dẫn cho người dân Lạng Sơn & cả vùng Đông Bắc thông qua hoạt động giao thương, mua sắm, giải trí, các hoạt động cộng đồng, biểu diễn văn hoá nghệ thuật và sáng tạo, giao lưu – kết nối – phát huy văn hoá bản địa xứ Lạng.