Thị trường chứng khoán vừa khép lại tuần đầu tiên của tháng 5 bằng một phiên giảm 31 điểm với sắc đỏ bao trùm. Toàn sàn có có đến 877 mã cổ phiếu giảm điểm với 88 cổ phiếu giảm hết biên độ trong khi đó chỉ có 223 mã tăng điểm. Phe bán áp đảo hoàn toàn trên nhóm vốn hóa lớn khi chỉ có 5 cái tên ngược dòng trong tổng số 58 cổ phiếu cổ phiếu tỷ USD vốn hóa trên toàn sàn.
Chỉ có 5 trên 58 cổ phiếu tỷ USD vốn hóa tăng điểm phiên 6/5
Nổi bật nhất trong nhóm vốn hóa lớn phải kể đến REE của REE Corp khi cổ phiếu này gần như "khỏe" trong cả phiên, thậm chí có thời điểm đã chạm trần. Dù không thể kết thúc cao nhất phiên nhưng REE đóng cửa vẫn tăng 4,62% lên mức 86.000 đồng/cổ phiếu qua đó tiến gần đến đỉnh cũ đạt được vào ngày 18/4.
Trước đó, cổ phiếu này cũng có giai đoạn bị bán mạnh do ảnh hưởng của thị trường chung nhưng sau đó đã đảo chiều hồi phục nhanh chóng theo hình chữ "V" từ tuần cuối tháng 4. Rõ ràng, cổ phiếu phòng thủ nổi tiếng như REE vẫn là một lựa chọn tin cậy trong giai đoạn thị trường gặp khó.
Động lực thúc đẩy cổ phiếu bứt phá đến từ kết quả kinh doanh tăng trưởng quý đầu năm. Theo đó, REE ghi nhận doanh thu thuần 2.045 tỷ đồng trong quý 1/2022, tăng 73% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, REE lãi sau thuế hơn 955 tỷ đồng, gấp đôi so với thực hiện quý I/2021. Với kết quả này, công ty đã thực hiện 22% kế hoạch doanh thu và 33% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Ngày 18/5 tới đây, REE sẽ chốt danh sách trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 100:15 tương ứng dự kiến phát hành gần 46,4 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá gần 464 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành sẽ trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty. Sau khi hoàn tất đợt phát hành trên, vốn điều lệ của REE sẽ tăng lên hơn 3.564 tỷ đồng.
Một đại diện cũng tăng ấn tượng phiên vừa qua là MVN của VIMC đến từ UpCOM. Dù vậy, mức tăng của cổ phiếu này đã bị thu hẹp đáng kể từ mức 9,3% đầu phiên xuống còn 4,5% và đóng cửa thấp nhất phiên.
Tương tự REE, kết quả kinh doanh của VIMC cũng tăng trưởng cao trong quý đầu năm với doanh thu thuần đạt 3.264 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.518 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 102% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, tổng công ty đã hoàn thành 26% mục tiêu về doanh thu và 31% mục tiêu về lợi nhuận cả năm đề ra.
Năm 2022, VIMC đạt mục tiêu doanh thu tương ứng đạt 12.511 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.518 tỷ đồng, tương ứng giảm 13% và 31% so với thực hiện trong năm trước. Tổng công ty có kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhằm huy động vốn đầu tư đội tàu container. Vốn điều lệ của VIMC sau phát hành dự kiến sẽ tăng từ mức 12.006 tỷ đồng lên 13.006 tỷ đồng.
Trong khi đó, "anh cả" ngành khí GAS của PV Gas lại có một phiên ngược dòng từ mức giảm gần 3% lên tăng nhẹ vào cuối phiên lên mức 109.800 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất trong nhóm 100.000 tỷ vốn hóa tăng điểm phiên hôm nay. Tính chung trong 1 tháng trở lại đây, GAS giảm không đáng kể và có thể coi như một điểm "trú bão" tương đối an toàn.
Yếu tố giúp GAS vững vàng trong giai đoạn vừa qua đến từ kết quả kinh doanh tăng trưởng quý 1/2022. Cụ thể, PV Gas ghi nhận doanh thu thuần đạt 26.689 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng 52% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, tổng công ty lãi ròng 3.495 tỷ đồng, tăng đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, PV Gas lên kế hoạch doanh thu là 80.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7.039 tỷ đồng, lần lượt giảm 0,2% và 20,5% so với thực hiện trong năm 2021. Với kết quả đạt được quý đầu tiên, "đại gia" ngành khí đã hoàn thành được 33,4% chỉ tiêu doanh thu và 50% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
DPM của Đạm Phú Mỹ cũng có một phiên không đến nỗi nào khi tăng gần 1% lên mức 63.700 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm cách đây 1 tháng, thị giá DPM gần như không thay đổi và có thể coi như vượt bão thành công. Dù vậy, so với đỉnh đạt được phiên 19/4, cổ phiếu này đã giảm hơn 15%.
Nhờ giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón tăng mạnh, Đạm Phú Mỹ cũng có quý đầu năm kinh doanh đầy khởi sắc. Công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 5.829 tỷ đồng, gấp 2 lần so với kết quả cùng kỳ năm 2021. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Đạm Phú Mỹ lãi ròng 2.126 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ và là mức kỷ lục trong một quý từng đạt được kể từ khi hoạt động.
Một cái tên khác đến từ UpCOM là SSH của Sunshine Homes cũng an toàn qua phiên giông bão khi nhích nhẹ 0,3% lên 100.000 đồng/cổ phiếu. Có thể coi SSH như "bình vôi" giữa lúc sóng gió bủa vây thị trường bởi thị giá cổ phiếu này gần như không biến động trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Doanh nghiệp này cũng vừa báo lãi quý 1/2022 gấp đôi cùng kỳ, đạt 53 tỷ đồng.