Ngành đồ uống gặp nhiều khó khăn trong dịch bệnh nên cần chính sách ổn định trong thời gian tới - Ảnh: H.H
Ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19
Với sự xuất hiện của dịch COVID-19, ngành nước giải khát đang chịu tác động tiêu cực nặng nề.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, doanh thu toàn ngành nước giải khát năm 2020 giảm mạnh tới 17% so với năm 2019, riêng doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 19% so với năm 2019. Lợi nhuận trung bình của ngành nước giải khát giảm 94,96% so với năm 2019.
Tác động của dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm của người lao động khi số lượng lao động giảm 4%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đã phải cắt giảm 7% số lượng lao động. Thu nhập trung bình của lao động trong ngành nước giải khát có mức giảm trung bình 7% so với năm 2019.
Tiếp đến năm 2021, doanh thu thuần của ngành giảm 4,8% so với năm 2020 trong khi lợi nhuận thuần giảm tới 31,4%. Mặc dù năm 2022 có khả năng mang lại sự phục hồi cho ngành nước giải khát với việc mở cửa trở lại ngành du lịch và ăn uống, tuy nhiên lợi nhuận gộp của ngành chắc chắn sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đầu vào đều đang ở mức cao lịch sử, trong đó có xăng dầu, đường, nhôm và nhựa...
Với sự xuất hiện của dịch COVID-19, ngành nước giải khát đang chịu tác động tiêu cực nặng nề. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu toàn ngành nước giải khát năm 2020 giảm mạnh tới 17% so với năm 2019, riêng doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 19% so với năm 2019.
Lợi nhuận trung bình của ngành nước giải khát giảm 94,96% so với năm 2019. Tác động của dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm của người lao động khi số lượng lao động giảm 4%.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước phải cắt giảm 7% số lượng lao động. Thu nhập trung bình của lao động trong ngành nước giải khát có mức giảm trung bình 7% so với năm 2019.
Theo các doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã có những tác động tích cực nhất định, phần nào cải thiện tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ lần thứ nhất tuy kịp thời, nhưng chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, nên mức độ hấp thụ rất thấp.
Trong đó, một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất… đã giúp doanh nghiệp bớt nỗi lo về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể vượt qua khó khăn.
Đáng chú ý, có nhiều gói hỗ trợ nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thông qua giảm một số loại phí như nghị định số 70, nhưng lại không có cơ chế riêng nào áp dụng đối với ngành đồ uống nói chung cũng như ngành nước giải khát nói riêng, nên cần có chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi ngành đồ uống.
Lo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Bà Chu Thị Vân Anh, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, cho rằng sự hỗ trợ từ Chính phủ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt việc duy trì sự ổn định về các chính sách thuế trong 5 năm tới, đối với các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch không nên mở rộng đánh thuế mới.
Theo lãnh đạo hiệp hội này, việc tăng hay áp thêm thuế dẫn tới tăng giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng tới sức mua và tiêu dùng nội địa. Từ đó sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, doanh thu từ hoạt động kinh doanh, mức đóng góp thuế và cơ hội việc làm của người lao động.
Đơn cử, việc tăng thuế hoặc bổ sung thêm các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đẩy giá một số mặt hàng và dịch vụ lên cao, tăng khả năng lạm phát, trong khi có thể không giúp tăng thu ngân sách.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương trong năm 2018 cũng chỉ ra nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với đồ uống có đường, doanh thu của ngành đồ uống sẽ giảm 3.928 tỉ đồng, gây ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chuỗi cung ứng cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Theo đó, giá trị nền kinh tế được dự báo sẽ giảm 0,14%; GDP giảm 0,12%; thu nhập từ sản xuất giảm 0,16%; cơ hội việc làm giảm 0,11%; và thuế gián thu từ ngành sản xuất có thể giảm 0,07 - 0,09%.
Do đó, các doanh nghiệp ngành đồ uống cho rằng đây là vấn đề các ban ngành liên quan cần cân nhắc thận trọng và đánh giá kỹ lưỡng những tác động về kinh tế, xã hội và sức khỏe đối với đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Mục tiêu nhằm tránh gây ra những hệ quả không mong muốn về kinh tế và xã hội, tạo thêm những gánh nặng không cần thiết lên doanh nghiệp, vốn đã đang phải rất nỗ lực vượt qua khó khăn, khắc phục các hậu quả của đại dịch.
Đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát cung cấp việc làm trực tiếp cho hơn 300.000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động.
Kể từ năm 2015 trở lại đây, ngành đồ uống chiếm tỉ trọng 4,5% trong nhóm ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 50.000 tỉ đồng.
Trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019, mức tăng trưởng hàng năm của ngành nước giải khát tăng đều ở mức 6-7%, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, thu ngân sách.