Nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn trên thị trường có mặt tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra sáng nay (28-2), tại Hà Nội.
Các thị trường chứng khoán lớn có gì, thì ta cũng phải làm được
Mở đầu phát biểu, ông Trương Gia Bình - chủ tịch FPT - gửi lời tri ân Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cho FPT cơ hội "100 ngày giải cứu HoSE".
"100 ngày giải cứu đó đem đến cái nhìn lại về FPT, từ ngày đó, cổ phiếu FPT liên tục tăng trưởng", ông Bình nói.
Trước đó, từ cuối quý 4-2020, hệ thống giao dịch của HoSE thường xuyên đơ, nghẽn lệnh. Nhiều thời điểm, nhà đầu tư không nắm được quan hệ cung cầu trong giao dịch hay mua bán.
Sau đó, đầu năm 2021, chính ông Trương Gia Bình - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FPT - đề xuất với Chính phủ để doanh nghiệp xử lý lỗi kỹ thuật ở HoSE.
Quay trở lại thông tin hội nghị, sau lời cảm ơn nêu trên, ông Bình cũng đề cập tới trăn trở của bản thân về thị trường. Đó là cảm giác thị trường chứng khoán Việt Nam làm tốt nhiều năm nhưng chưa xứng đáng với vị thế.
Ông cho rằng Việt Nam phải lên một tầm nữa tương đương với tất cả các thị trường chứng khoán của các nền kinh tế thị trường lớn.
"Các thị trường chứng khoán lớn có gì, thì ta cũng phải làm được như mua trước bán sau, thanh toán bù trừ...
Điều này phụ thuộc vào chính chúng ta. Các thị trường khác có năng lực gì thì chúng ta phải có năng lực đó. Ví dụ ở NASDAQ, AI đã tham dự vào từ năm 2016, năm 2018 ở Nhật Bản, Thái Lan năm vừa rồi bắt đầu", ông Bình cho hay.
Lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn hàng đầu của Việt Nam cũng nhấn mạnh Việt Nam phải nâng cấp thị trường lên "mới nổi".
Quá trình đó, công nghệ có thể làm gì được? Trả lời, ông Trương Gia Bình cho rằng công nghệ có 3 từ lớn là DGI. Trong đó, D là "Digital".
Ở Thái Lan, Bộ Tài chính nắm rất chắc công ty nào đầu tư vào công ty nào.
"Đề án 06 có quá nhiều dữ liệu, làm sao để D của chúng ta minh bạch và có đẳng cấp như tất cả các nước", ông Bình nói.
Còn G là "Green". Theo chủ tịch FPT, thế giới bước vào giai đoạn không làm không được, không làm không xuất khẩu được, không có báo cáo không xuất khẩu được, không làm kế toán carbon thì bị đánh thuế.
Chúng ta hiểu chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là cặp bài trùng.
Chữ cuối cùng theo chủ tịch FPT, rất quan trọng, đó là chữ I, tức trí tuệ nhân tạo. "AI ảnh hưởng đến kinh tế, đến chứng khoán quá lớn.
Chúng ta có thể bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân nhiều lần bằng cách chống gian lận.
Việt Nam có tiềm năng về cả D, G, I, vấn đề là chúng ta có sử dụng tiềm năng công nghệ của đất nước cho phát triển nền kinh tế không", ông Trương Gia Bình tâm huyết nói.
Lãnh đạo doanh nghiệp đầu tiên trên sàn HoSE trăn trở gì về thị trường?
Một doanh nhân kỳ cựu khác trên sàn chứng khoán, là bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE), cũng tham dự hội nghị.
REE là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2000.
Tham luận tại hội nghị, bà Thanh nhắc lại năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời như một kênh huy động vốn với khuôn khổ pháp lý được ban hành.
Để huy động vốn với chi phí hợp lý và bền vững lâu dài, REE đã tiên phong niêm yết đầu tiên trên HoSE và nhận được giấy phép niêm yết số 1 vào tháng 7-2000. Khi đó, ý tưởng này tương đối mới mẻ ở Việt Nam.
Sau nhiều năm trên sàn, lãnh đạo REE nói thị trường không chỉ là nơi "tôi luyện" cho các công ty niêm yết để làm ăn đàng hoàng hơn, minh bạch mà còn gián tiếp đào tạo những nhà quản lý chuyên nghiệp, cần mẫn và trung thực.
Để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động tốt, bà Mai Thanh cho rằng công ty niêm yết là "hàng hóa", hàng hóa phải tốt và không có hàng giả. Nhà đầu tư luôn mong mỏi các công ty niêm yết có mức tăng trưởng tốt và họ sẵn sàng bỏ vốn thêm cho mục tiêu này.
-
Vì sao REE đắt hàng?ĐỌC NGAY
Trong khi đó, vấn đề mấu chốt quan trọng hiện nay của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng bên cạnh vấn đề tài chính, công nghệ, hay năng lực quản lý là khuôn khổ pháp luật và chính sách cần được ổn định, lâu dài.
"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiến tạo một môi trường luật pháp trong kinh doanh cởi mở, minh bạch hơn nữa.
Có thể tiến đến dịch vụ một cửa, giảm bớt cơ chế xin cho, chuyển dần sang cơ chế đăng ký và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật, không cấm là có thể tự động được làm", bà Thanh nhấn mạnh.
Bà Thanh cũng cho rằng lãi suất cho vay doanh nghiệp cần về mức hợp lý hơn. Vấn đề khai thuế và nộp thuế cũng cần công bằng hơn.
Sở dĩ đưa ra kiến nghị này, bởi bà thấy các doanh nghiệp niêm yết có báo cáo rất đầy đủ và cơ quan thuế thường xuyên rà soát và kiểm tra thuế của những doanh nghiệp này. Nhưng với nhiều doanh nghiệp khác thì không như vậy.