Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 tổ chức ngày 28/2, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB (Mã: MBB), đánh giá yếu tố tiên quyết đầu tiên để thúc đẩy thị trường phát triển và tăng khả năng tiếp cận vốn doanh nghiệp thường là yếu tố kinh tế vĩ mô được điều hành bởi Chính phủ.
Trong năm 2023, Chính phủ điều hành linh hoạt, ban hành chính sách kích thích người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và tăng trưởng GDP ở mức độ cao so với tình hình chung của thế giới. Lạm phát mức thấp và FDI tăng trưởng nhanh khoảng 32%, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp là 2,28%, tín dụng tăng trưởng ở mức 13,7%, tỷ giá ổn định.
Điều đó đã thúc đẩy TTCK với mức tăng của VN-Index đạt 12% vốn hóa tăng gần đến 4%. Phía MB đánh giá đây là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình thu hút vốn cũng như hỗ trợ thị trường phát triển theo chiều sâu.
Song song với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các công điện yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ban, ngành có giải pháp nâng hạng thị trường, chuẩn hóa các cơ sở của hệ thống giao dịch trái phiếu, trên cơ sở đó xử ý các vấn đề, các vụ việc của TTCK, giúp cho TTCK phát triển minh bạch.
Đại diện MB nêu ra 4 vấn đề. Thứ nhất là cần tăng quy mô của thị trường. Hiện nay quy mô của TTCK chiếm khoảng 56-58% GDP các nước đang phát triển.
Vấn đề thứ hai là tăng số lượng hàng hoá cũng như tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp tham gia niêm yết. Thứ ba là tăng số lượng và chất lượng của ngân hàng đầu tư trên thị trường thông qua các giải pháp.
Cuối cùng, thị trường Việt Nam cần nâng cấp được các hệ thống giao dịch và khuôn khổ pháp lý để thu hút nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, MB đưa ra một số kiến nghị. Đầu tiên là tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, để tăng sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, minh bạch thông tin, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tiềm năng tham gia TTCK.
Điều này thực hiện bằng áp dụng các chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn. Năm 2023, số lượng giá trị tăng mới của giá trị niêm yết khoảng 56.000 tỷ đồng, còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, nhu cầu của doanh nghiệp.
Thứ hai, MB kiến nghị tiến tới nâng hạng thị trường. Một số vấn đề chính là nội lực TTCK Việt Nam quan trọng, do đó chất lượng hàng hóa trong thị trường là quan trọng. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến đây để tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Do đó, chất lượng thị trường và quan trọng hơn là kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường. TTCK cần hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến sở hữu nước ngoài.
Thứ ba là tăng cường ứng dụng về công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý và giám sát. Ngành chứng khoán cần nghiên cứu các hệ thống triển khai giám sát tự động, kết nối với hệ thống dữ liệu và các cơ quan như thuế, cơ quan giám sát của ngân hàng và giám sát tài chính quốc gia, tăng khả năng giám sát và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường.