Chứng khoán

Vì sao chủ đề nâng hạng được nhiều bộ ngành, tập đoàn đề cập tại sự kiện có Thủ tướng tham dự sáng nay?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, câu chuyện nâng hạng thị trường là chủ đề nóng được nhiều đại diện của bộ ngành, doanh nghiệp niêm yết, thành viên thị trường đề cập đến.

Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030 được Chính phủ thông qua cuối năm 2023, chứng khoán Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trước năm 2025. Liên quan đến vấn đề này, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ tại hội nghị rằng, cơ quan quản lý thị trường đã làm việc với nhiều đơn vị, thành viên thị trường và các tổ chức xếp hạng nhằm tháo gỡ những vướng mắc.

Trong năm 2024, việc triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng TTCK là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được người đứng đầu của UBCKNN đưa ra.

Chia sẻ từ phía những tổ chức liên quan tới mục tiêu nâng hạng, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tìm giải pháp phục vụ công tác nâng hạng TTCK.

NHNN đã phối hợp làm việc với hai tổ chức xếp hạng FTSE Russell, MSCI để giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, từng bước phát triển thị trường ngoại tệ, hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ khi cần thiết để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, ông Hà nói.

Báo Chính phủ đưa tin, phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng quan điểm với NHNN là phải khẩn trương hoàn thành nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

“Thời gian gần đây, khi tiếp xúc với các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế, họ đều bày tỏ nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho hay.

Không chỉ những cơ quan quản lý nhà nước, chủ đề nâng hạng thị trường cũng được đại diện những tập đoàn, ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên sàn đặc biệt quan tâm.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Ngân hàng MBB (Mã: MBB) nêu quan điểm, chất lượng hàng hóa trong thị trường là quan trọng. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao thì nhà đầu tư nước ngoài đến đây để tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Do đó, theo vị Chủ tịch của MB, chất lượng thị trường và quan trọng hơn là kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường.

Sự cần thiết trong việc đưa ra những giải pháp để cũng được ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup nhấn mạnh trong phần kiến nghị của mình.

Nói về lợi ích của việc nâng hạng, theo ôngKetut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại Việt Nam,nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược, phù hợp với tham vọng lớn hơn là chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Hiện tại, Việt Nam được MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên (FM). Cho đến nay, thị trường Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số FM (hơn 30% tổng tài sản quản lý (AUM)) và đã đạt đến giới hạn có thể kỳ vọng trong rổ chỉ số cận biên.

Kể từ tháng 9/2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ.

Việc nâng hạng TTCK sẽ là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam vốn sẽ được coi là có khả năng tiếp cận thị trường thỏa đáng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có mức vốn hóa đạt quy mô cũng như tính thanh khoản hấp dẫn ngang hàng với nhiều nước đang phát triển có trình độ phát triển tương tự như Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới ước tính việc nâng hạng TTCK có thể mang lại tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030. Tuy vậy, để đạt được con số trên cần phải giải quyết một số điều kiện, đại diện của WB đưa ra.

Thứ nhất, Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI. Chúng tôi đánh giá cao và đồng ý với cách tiếp cận hiện tại của SSC là ưu tiên được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp bởi FTSE Russell trước; tuy nhiên, cần lưu ý rằng phần lớn vốn đầu tư mới sẽ đến từ việc nâng hạng bởi MSCI.

Thứ hai, xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn. Giải pháp bao gồm: Cải thiện công bố thông tin, tăng tiếp cận với các cổ phiếu đã đạt đến giới hạn và quan trọng nhất là tăng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu FOL vẫn là một hạn chế, Việt Nam có thể sẽ chỉ nhận được dòng vốn ròng tối đa 5 tỷ USD, vì thị trường lúc đó chỉ chiếm chưa đến 1% chỉ số EM toàn cầu. Nhưng nếu FOL được giải quyết hoàn toàn, tỉ trọng của Việt Nam trong chỉ số EM có thể tăng hơn 1% và điều này có thể mang lại thêm 8 - 15 tỷ USD.

Thông tin thêm, những cải cách trong ngành bảo hiểm và quỹ đầu tư, nếu được thực hiện đúng cách, có thể mang lại thêm 28 tỷ USD cho khu vực doanh nghiệp thông qua thị trường vốn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm