Đó là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi kết luận hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 ngày 28-2 và giao nhiệm vụ cụ thể các đơn vị liên quan để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bày tỏ Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán, Thủ tướng chia sẻ: "Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới thị trường chứng khoán, luôn theo dõi thị trường. Lúc 12h40 hằng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem thị trường chứng khoán hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột".
Chính phủ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư
Theo người đứng đầu Chính phủ, khi có biến động, việc luôn đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, nhà phát hành, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, các bên đều thắng là rất quan trọng.
"Chúng tôi luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới thị trường chứng khoán", Thủ tướng bày tỏ.
Nêu ra định hướng cho thị trường, ông nói tới năm 2025 đặt mục tiêu trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỉ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp.
Vì thế, để thực hiện yêu cầu nâng hạng và lành mạnh thị trường, ông giao cho Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các bộ ngành liên quan cần triển khai ngay chương trình hành động về thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Trọng tâm là rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin.
Nâng cấp hoạt động của thị trường theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp.
Tập trung nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh kiểm tra thị trường chứng khoán. Mục tiêu nhằm phòng chống, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm, xử nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Tăng cường quản lý, giám sát đối với người hành nghề chứng khoán; áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp; từng bước chuyển giao hoạt động thi, cấp chứng chỉ hành nghề cho các hiệp hội nghề nghiệp.
Để nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc với tinh thần "Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện".
Trọng tâm là rà soát sửa đổi các văn bản pháp luật, xử lý các vướng mắc về kỹ thuật, nâng cao tính minh bạch trên thị trường, tháo gỡ ngay những rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.
Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán
Rà soát, công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; công bố thông tin bằng song ngữ.
Xem xét, rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp quy luật thị trường.
Ông cũng giao nhiệm vụ cần đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025"; nâng cao năng lực quản trị công ty, quản trị rủi ro, tăng khả năng cạnh tranh.
Tiếp tục phát triển hoạt động khối các công ty chứng khoán theo hai mô hình: đa năng (thực hiện nhiều nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán) và chuyên doanh (thực hiện một nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán) với tinh thần linh hoạt; tăng cường vai trò tạo lập thị trường, nâng cao tiềm lực tài chính, chất lượng...
Với các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch, Thủ tướng khẳng định sẽ khuyến khích. Trong đó, thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết; hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Tập trung thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết; đa dạng các loại trái phiếu; phát triển các sản phẩm trái phiếu gắn với hình thức đối tác công tư (PPP).
Khuyến khích phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh. Tiếp tục phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới.
Đối với các nhà đầu tư, Chính phủ có giải pháp nâng cao năng lực đầu tư kinh nghiệm kinh doanh, hiểu biết về pháp luật, kỹ năng kinh doanh; các nhà đầu tư phải có kiến thức về đầu tư; lưu ý không chạy theo lợi nhuận vì lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn; tăng cường trách nhiệm của các nhà đầu tư.