Kinh doanh

‘Ông lớn’ Nhật, Thái giành miếng bánh bán lẻ Việt

Tóm tắt:
  • Tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam năm ngoái đạt 190 tỷ USD, chợ truyền thống chiếm 70% thị phần.
  • Tập đoàn Aeon của Nhật Bản dự kiến mở rộng lên gấp 8 lần số cửa hàng vào năm 2030.
  • Central Group từ Thái Lan cũng tăng tốc mở rộng tại nông thôn Việt Nam để cạnh tranh.
  • Tập đoàn Masan sở hữu 3.800 siêu thị và dự định mở thêm 1.000 cửa hàng mỗi năm.
  • FujiMart của Sumitomo dự kiến đạt 50 cửa hàng vào năm 2028, nhắm đến nhu cầu tiêu dùng Việt.

Aeon, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, dự kiến mở rộng mạnh mẽ hệ thống siêu thị và cửa hàng tổng hợp tại Việt Nam, với mục tiêu tăng số lượng cửa hàng lên gấp 8 lần vào năm 2030, xem Việt Nam là thị trường tiềm năng nhờ dân số đông và cơ cấu trẻ.

Trong khi đó, Central Group của Thái Lan đang tăng tốc mở rộng tại các vùng nông thôn Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn” Nhật Bản. 

Việt Nam cũng có doanh nghiệp bán lẻ nội địa lớn như tập đoàn Masan, sở hữu khoảng 3.800 siêu thị và cửa hàng tiện lợi, chủ yếu là WinMart+, với kế hoạch mở thêm khoảng 1.000 điểm bán mỗi năm.

Bên ngoài trung tâm thương mại Aeon ở quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Ông Yasuyuki Furusawa, nguyên Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, hiện là Chủ tịch Aeon Retail, chia sẻ trên Nikkei Asia rằng: “Để cạnh tranh với các tập đoàn như Central của Thái Lan, chúng tôi đặt mục tiêu đạt 100 cửa hàng tổng hợp và siêu siêu thị vào khoảng năm 2030”.

Đối với các cửa hàng quy mô nhỏ hơn, Aeon hướng tới khoảng 200 điểm bán. Tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam trong năm ngoái đạt khoảng 4,92 triệu tỷ đồng (190 tỷ USD), tăng 8% so với năm trước, với các cửa hàng tạp hóa nhỏ và chợ truyền thống chiếm 70–80% thị phần, tạo cơ hội lớn cho các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Tháng 1 vừa qua, Aeon khai trương cửa hàng Aeon Xuân Thủy tại Hà Nội, nằm ở khu vực có nhiều văn phòng, trường học và ga tàu điện ngầm mới. Ba tầng đầu của tòa nhà bán các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, nội thất và quần áo. Cửa hàng luôn đông khách, kể cả vào ngày làm việc trong tuần. Khu thực phẩm chế biến sẵn chiếm diện tích 1.620 m², lớn hơn nhiều so với mặt bằng chung tại các siêu thị ở Nhật. Tầng ba có khu ăn uống với 450 chỗ ngồi.

Theo Aeon, tại các cửa hàng ở Nhật Bản, thực phẩm chế biến sẵn và bánh nướng chiếm khoảng 13% tổng doanh thu ngành hàng thực phẩm, nhưng tại Việt Nam, tỷ lệ này tăng lên 20%. Riêng cửa hàng Aeon Xuân Thủy, từ khi khai trương vào ba tháng đầu năm nay, gần 30% doanh thu đến từ thực phẩm chế biến sẵn. 

Một trung tâm thương mại do Central Group (Thái Lan) điều hành ở Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Đại diện Aeon Retail cho biết: “Ở Việt Nam, việc cả gia đình cùng đi siêu thị, mỗi người chọn món mình thích rồi cùng ngồi ăn với nhau là một cách giải trí rất phổ biến”.

Aeon cũng đang phát triển mô hình “siêu siêu thị”, kết hợp bán hàng tạp hóa, khu thực phẩm, khu làm đẹp và các dịch vụ tiện ích khác. Các món ăn như sushi, ramen, đồ chiên, cơm hộp và bánh mì được chế biến ngay tại chỗ. 

Tính đến cuối tháng 2, Aeon có 12 cửa hàng tổng hợp tại Việt Nam, trong đó có 3 siêu siêu thị, và vận hành 36 siêu thị thông thường, bao gồm các cửa hàng Citimart.

Tập đoàn thương mại Sumitomo của Nhật Bản cũng tham gia cuộc đua, với kế hoạch nâng số lượng siêu thị FujiMart lên 50 cửa hàng vào năm 2028, trong liên doanh với BRG Group của Việt Nam. 

  • TIN LIÊN QUAN
  • Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cảnh báo cái chết của mô hình bán lẻ truyền thống và yếu tố định hình lại toàn bộ ngành này

Dù mang phong cách Nhật Bản, FujiMart hướng đến người tiêu dùng Việt Nam, thu hút khách từ các chợ truyền thống nhờ rau củ tươi sống và các món ăn chế biến sẵn, bánh nướng. Vào cuối năm 2023, chuỗi này chỉ có vài cửa hàng nhưng đã bắt đầu đẩy mạnh mở rộng từ năm ngoái.

Thị trường Việt Nam còn thu hút các siêu thị khu vực Nhật Bản như Yaoko, một chuỗi tại tỉnh Saitama, đã đầu tư gần 100 triệu yên (khoảng 700.000 USD) vào công ty vận hành chuỗi 3Sach tại Việt Nam. Dù chưa có cửa hàng ngoài Nhật Bản, Yaoko muốn đồng hành cùng ngành bán lẻ Việt Nam như bước đệm cho kế hoạch mở rộng ra nước ngoài trong tương lai.

Các tin khác

Cổ phiếu Novaland tăng trần

Cổ phiếu Novaland (NVL) hôm nay tăng hết biên độ lên 12.250 đồng, vùng giá cao nhất 8 tháng, khi nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng gom hàng.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối với hành lang lưới điện trong mọi tình huống

“Lưới điện của tỉnh Hòa Bình đi qua nhiều địa hình phức tạp, rừng núi cao, khí hậu khắc nghiệt và công tác an toàn lưới điện là một thách thức lớn. Để đảm bảo an toàn lưới điện, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) tăng cường lực lượng phát quang, bảo dưỡng đường dây, tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ an toàn lưới điện”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc PC Hoà Bình chia sẻ.

Chuyện không thể chấp nhận ở phòng cấp cứu

Việc bé trai được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu nhưng bị phản ánh "phải đóng đủ tiền mới cấp cứu" đã gây ra làn sóng bức xúc trong dư luận