Đây là thông tin ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Bình (HBC) chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 ngày 17/10 khi được hỏi về khoản phải thu của doanh nghiệp.
Theo đó, khoản phải thu hiện nay của công ty là 9.192 tỷ đồng, trong đó, số khoản nợ dự kiến thu 2.836 tỷ đồng trong quý IV sẽ đến từ các doanh nghiệp có các khoản nợ nhiều nhất là Nova, Sungoup, Gamuda, Sunshine, Vingroup, Cocobay, Ecopark..... Tới Tết Nguyên đán, số nợ dự kiến thu được là 4.846 tỷ đồng. Việc hòa nhập và trích lập dự phòng của công ty quý IV sẽ không có nhiều thay đổi.
Về dòng tiền, công ty cho biết trung bình một tháng thu được 150-200 tỷ đồng từ các dự án đã và đang hoàn thành. Ngoài ra, công ty cũng đã thắng 12 vụ kiện và dần thu hồi các khoản tiền từ các bên. Riêng với FLC doanh nghiệp đã thu hết nợ gốc tới 57%, đồng thời, đã và đang thu hồi khoảng 28 tỷ đồng từ Cocobay. Sắp tới, công ty thu về hơn 261 tỷ đồng từ thắng kiện Công ty TNHH Vì Khoa học và Công ty cổ phần phát triển đô thị.
Đến ngày 31/12/2022, công ty có dư nợ tại 14 ngân hàng nhưng tới ngày 16/10 đã tất toán công nợ tại 7 ngân hàng với số tiền đã trả 1.327 tỷ đồng. Hiện tổng dư nợ tại 7 ngân hàng là 4.756 tỷ đồng, giảm so với đầu năm 6.083 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm nay nhưng doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp chỉ khoảng 7.800 tỷ đồng và lợi nhuận vẫn âm nhiều hơn so với dự kiến. Công ty chưa thanh lý tài sản của Công ty Matec, do đối tác gặp khó khăn trong vấn đề xoay xở tài chính.
"Tôi xin nhận trách nhiệm cá nhân vì Hòa Bình gặp khó khăn triền miên. Rất cảm ơn cổ đông và nhân viên thông cảm thời gian qua", ông Hải bộc bạch.
Ông Hải cũng chia sẻ thêm, vì công ty gặp khó nên đến nay đã trễ lương 3-4 tháng, thậm chí giảm 50% lương nhưng nhân viên vẫn tận tâm làm việc. CEO Lê Văn Nam cũng chưa nhận đồng tiền lương nào.
Trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2024-2028, Hòa Bình cho biết sẽ triển khai nhiều dự án tại thị trường nước ngoài như Mỹ, Vanuatu, Australia, châu Phi. Công ty đang ký kết thỏa thuận về nguyên tắc với một tập đoàn đầu tư và phát triển quốc tế nhằm hợp tác chiến lược và hỗ trợ việc mở rộng kinh doanh quốc tế. Doanh nghiệp chưa thể công bố tên đối tác vì liên quan tới yếu tố bảo mật.
Đánh giá về thị trường nước ngoài, HBC cho rằng châu Phi tiềm năng nhất, có lực lượng lao động còn dồi dào. Còn Australia, Mỹ có những đòi hỏi về pháp lý, kỹ thuật nên thách thức khi đưa công nhân, kỹ sư, cán bộ quản lý sang làm việc. Tuy nhiên, ở những thị trường này, lợi nhuận sẽ cao do chênh lệch giá từ 5-8 lần. Sắp tới, nếu HBC vượt qua được yêu cầu của Mỹ, Australia, theo ông Hải, chắc chắn sẽ có hiệu quả cao. HBC cũng có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm, tinh hoa của các nước phát triển này. Năm sau HBC sẽ có doanh thu ở thị trường nước ngoài. Dự kiến doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2028.
Cũng tại đại hội, cổ đông Hòa Bình đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 220 triệu cổ phiếu với giá chào bán do Hội đồng quản trị quyết định nhưng không thấp hơn 12.000 đồng một cổ phiếu. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian triển khai năm 2023-2024.
Số tiền huy động khoảng 2.640 tỷ đồng dự kiến được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thanh toán các khoản nợ.
Hòa Bình đã thông qua kế hoạch phát hành 54 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ với giá 12.000 đồng một cổ phiếu. Tỷ lệ hoán đổi là 1,2:1, tương ứng cứ mỗi 12.000 đồng nợ sẽ được hoán đổi thành 1 cổ phiếu. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng một năm và dự kiến triển khai trong năm 2023-2024.