Các thách thức trong việc triển khai chữ ký số được đề cập tại hội thảo về vai trò của chữ ký số cá nhân trong giao dịch thanh toán điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 17/10. Hội thảo nhằm chuẩn bị cho Luật Giao dịch điện tử, có hiệu lực từ 1/7/2024, trong đó, chữ ký điện tử có giá trị pháp lý chỉ gồm chữ ký số (CKS) và chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn.
Chữ ký điện tử được sử dụng tại Việt Nam từ 2005. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chúng phổ biến với hình thái là mật khẩu đăng nhập kết hợp với mã xác thực (OTP, Token OTP...) được ngân hàng gửi tới khách hàng để xác thực.
Trong khi đó, chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử, sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ của thông điệp dữ liệu.
Khi Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực vào năm tới, các chuyên gia lo ngại ngân hàng sẽ phải chờ Chính phủ ban hành hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký cấp chứng nhận chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn. Việc tiến hành đăng ký và được cấp giấy chứng nhận cần một khoảng thời gian nhất định. Khi đó, để tránh gián đoạn giao dịch, chữ ký số cá nhân trở thành một lựa chọn được khuyến nghị. Ngoài ra, phần lớn giao dịch vẫn được xác thực bằng phương thức truyền thống như OTP, trong khi phương thức này được đánh giá sẽ không còn đủ an toàn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 5% khách hàng giao dịch sử dụng chữ ký số. Phương thức này cũng chủ yếu được dùng trong giao dịch nội bộ ngân hàng hoặc giao dịch của các doanh nghiệp, chưa áp dụng rộng rãi với người dùng cá nhân.
"Đối với khách hàng cá nhân, việc các ngân hàng có thể thuyết phục họ mua chữ ký số không dễ dàng", bà Nguyễn Thị Phương, Phó chủ nhiệm CLB Pháp chế, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, đánh giá.
Theo bà Phương, có nhiều vướng mắc trong việc sử dụng chữ ký số của người dùng tại ngân hàng, như chi phí, sự tiện lợi và tin tưởng.
Để sử dụng chữ ký số, người dùng phải mua từ các nhà cung cấp (CA Provider) với giá từ 550 nghìn đồng đến 1,8 triệu đồng mỗi năm. Trong khi giải pháp này chưa phổ biến, phạm vi ứng dụng còn hẹp nên khó thuyết phục họ bỏ ra số tiền lớn. Việc tiếp cận và mua CKS cũng được đánh giá chưa thuận tiện, đa phần vẫn phải ra quầy hoặc gửi hồ sơ đến quầy.
Người dùng Việt cũng chưa quen với việc ký số, quan ngại về giá trị pháp lý của phương thức này, nhất là khi xảy ra tranh chấp. "Điều này dẫn đến việc khách hàng không yên tâm khi nhận được văn bản sử dụng chữ ký số của ngân hàng", bà Phương nói. Ngoài ra, việc ứng dụng cũng gặp thách thức trong giao dịch với đối tác nước ngoài, khi các nhà cung cấp dịch vụ CKS trong và ngoài nước có nhiều điểm khác biệt.
Ở phía ngân hàng, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, việc áp dụng chữ ký số với các giao dịch ngân hàng, bao gồm một lượng lớn các giao dịch giá trị nhỏ có thể làm hệ thống trở nên nặng nề và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, vốn đòi hỏi tốc độ xử lý nhanh.
Để giải quyết vướng mắc và không gây gián đoạn các giao dịch điện tử khi Luật có hiệu lực vào tháng 7 năm tới, bà Hằng đề nghị các cơ quan liên quan cần sớm ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn Luật về các nội dung như: điều kiện kỹ thuật cụ thể để được cấp chứng nhận chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn, làm rõ thêm về giá trị pháp lý của chữ ký số cấp cho người đại diện...
Đại diện Hiệp hội Ngân hàng cũng đề xuất nhà cung cấp chữ ký số cần chuẩn hóa thành một chuẩn, để việc tích hợp đơn giản, tái sử dụng được.