Ngày 24/7, dự án tiền điện tử do Sam Altman, CEO OpenAI, hậu thuẫn đã trình làng. Để được cấp World ID, người dùng cần quét võng mạc. Sau đó AI sẽ phân tích dữ liệu và xác minh đây là người thật. Mỗi khi World ID được cấp, dữ liệu sẽ được đưa lên blockchain để chủ nhân lưu trữ và sử dụng để xác thực cho các dịch vụ trong tương lai.
Theo Coindesk, từ một tháng trước, đội ngũ của Worldcoin đã đến 35 thành phố ở 20 quốc gia trên thế giới để quét võng mạc. Thiết bị được dùng để lấy dữ liệu có tên Orb với màu bạc, kích thước gần bằng quả bóng bowling.
Theo Reuters, World ID thu hút nhiều người trên khắp thế giới tham gia vào dự án. Sau khi xác thực danh tính, mỗi người nhận được 25 WLD - tiền số của Worldcoin. WLD chỉ được phát hành cho người dùng ở những quốc gia có luật cho phép. Người Mỹ chưa nhận được token này.
Từ giá khởi điểm 0,15 USD, WLD có lúc cán mốc 3,58 USD, còn hiện nằm ở vùng giá 2 USD, theo dữ liệu từ sàn giao dịch Binance. Trước đó, Bloomberg cho biết, World ID huy động được 115 triệu USD trong vòng gọi vốn C do Blockchain Capital dẫn đầu.
Reuters dẫn lời Alex Blania, nhà đồng sáng lập World ID, rằng blockchain cho phép hệ thống lưu trữ và bảo vệ danh tính, quyền riêng tư của người dùng khỏi sự kiểm soát của bất kỳ thực thể đơn lẻ nào. "Dự án này đặc biệt cần thiết trong thời đại AI tạo sinh như ChatGPT ngày một thông minh và nói chuyện không khác gì con người", Blania nói.
Trong khi đó, Sam Altman, cha đẻ của ChatGPT kiêm nhà đồng sáng lập của Worldcoin, cho rằng dự án còn giúp giải quyết những thách thức trong tương lai của nền kinh tế được định hình bằng AI. Ông nói: "Khi nền kinh tế mở rộng, AI sẽ làm nhiều việc thay con người. Lúc đó, chỉ có người được xác thực ID mới có thể chứng minh mình không phải chatbot".
CEO OpenAI cũng lưu ý tương lai đó có thể còn xa, tuy nhiên World ID là nền móng quan trọng để tầm nhìn thành hiện thực. "Chúng tôi nghĩ đã đến lúc thử nghiệm mọi thứ để có thể tìm ra hướng đi cần thiết sắp tới", Sam Altman nói.
Hoài nghi
Theo Coindesk, World ID đang thu hút sự chú ý khắp cộng đồng công nghệ, được cả giới AI lẫn blockchain theo dõi, khiến hệ thống bị quá tải. "World ID đang hoạt động hết công suất và nhận lượng truy cập quá lớn. Một số người dùng có thể bị gián đoạn trong thời gian này", trang chủ của Worldcoin thông báo hôm 24/7, vài giờ sau khi dự án chính thức được công bố.
Dù được đón nhận, World ID cũng gặp không ít hoài nghi. Người đồng sáng lập Ethereum Vitalik Buterin đã đăng dài để giải thích về công nghệ và chỉ ra những điều khiến ông còn băn khoăn.
Buterin chỉ ra bốn vấn đề lớn hệ thống xác thực người dùng PoP (Proof-of-Personhood) của Worldcoin phải đối mặt gồm: quyền riêng tư, khả năng truy cập, tập trung hóa và bảo mật.
Đầu tiên, Buterin lập luận rằng việc quét mống mắt có khả năng tiết lộ nhiều thông tin hơn dự định. Chẳng hạn, để xác định một người có trong hệ thống của World ID hay không, họ không chỉ quét mống mắt mà còn chạy nhiều dữ liệu hơn liên quan đến danh tính.
Hơn nữa, không phải ai cũng tiếp cận được World ID vì hệ thống xác thực thông qua thiết bị phần cứng là quả cầu Orb. "Không có cách nào xác minh được quá trình xây dựng phần cứng này chính xác và không có cửa hậu vào hệ thống", ông nói.
Mặc dù xây dựng trên hệ thống blockchain, Buterin nhận thấy dự án thiếu yếu tố phi tập trung cần thiết vì nhà phát triển Worldcoin vẫn có khả năng chèn một cửa hậu vào hệ thống, cho phép tạo nhiều danh tính giả mạo con người.
Cuối cùng là vấn đề bảo mật của người dùng đầu cuối. Nhà sáng lập Ethereum cho rằng smartphone của người dùng vẫn có thể bị hack và đánh cắp dữ liệu sinh trắc học. Ngoài ra, họ cũng có thể bị ép đưa dữ liệu của mình cho người khác.
"Không có hình thức lý tưởng để chứng minh tư cách con người", Buterin nói. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá Worldcoin đã đạt được nhiều bước tiến trong việc kết hợp phần cứng với những công nghệ mới để cho ra phương thức xác thực an toàn, đề cao quyền riêng tư.
Theo Recfaces, công nghệ quét mống mắt lần đầu được phát triển bởi bác sĩ nhãn khoa Frank Burch, sau đó được phổ biến thông qua các ứng dụng bảo mật như xác thực võng mạc để bảo mật trên smartphone. Theo lý thuyết xác suất, trong lịch sử nhân loại, chưa từng phát hiện trường hợp hai người có mống mắt giống nhau, ngay cả với cặp song sinh. Các nhà khoa học đã tiến hành một số nghiên cứu cho thấy võng mạc của con người có thể thay đổi theo thời gian trong khi mống mắt thì không.