Thời gian gần đây, khi các nền tảng mạng xã hội phát triển rầm rộ, nhiều mặt hàng ẩm thực, đồ uống bỗng trở thành xu hướng (trend).
Từ một món ăn hoặc thức uống hết sức xa lạ với người tiêu dùng, bỗng dưng một ngày xuất hiện và trở thành trào lưu như trà mãng cầu, bánh đồng xu phô mai, cà phê muối, trà chanh giã tay… Tại một số điểm bán ở các thành phố lớn, khách phải xếp hàng, lấy số để mua.
Những xe bán hàng cà phê muối mọc lên khắp các con phố tại Hà Nội.
Nắm bắt cơ hội làm giàu, không ít người bỏ công việc ổn định, dốc tiền kinh doanh “đu trend” kiếm lời. Nhưng bên cạnh những người hốt bạc thì cũng có không ít người rơi vào cảnh khóc dở mếu dở khi những mặt hàng sớm nở tối tàn này nhanh chóng hết sốt.
Từng từ bỏ công việc gắn bó gần 10 năm để bán món ăn “hot trend”, chị Trần Thị Thương (SN 1988) đã nhận ngay “trái đắng” kể từ tháng đầu tiên.
Chị Thương cho biết, khi món cà phê muối trở thành “trend” được giới trẻ chia sẻ rầm rộ, chị Thương quyết định kinh doanh “đu trend". Tháng 6/2023, chị Thương nghỉ việc và dốc tiền để mua xe bán cà phê muối.
Sau khi tìm hiểu thị trường, nhận thấy tiềm năng phát triển cà phê muối ở Hà Nội, chị Thương chi số tiền khoảng 50 triệu đồng để đặt mua 8 chiếc xe hàng kèm nguyên liệu pha chế.
“Tôi đặt những xe cà phê muối ngay tại các tòa nhà văn phòng lớn và các tuyến đường đông người qua lại để bán. Vì món này đang rất hot nên nếu thuận lợi thì chỉ sau hơn 1 tháng là tôi thu hồi vốn, hết tháng thứ hai kiểu gì cũng có lãi", chị Thương cho biết.
Tuy nhiên, chưa đầy nửa tháng kể từ ngày đầu tiên chị mở bán, xung quanh các khu vực chị chọn, lần lượt có thêm rất nhiều xe cà phê muối khác mọc lên, khiến mật độ các quán cà phê muối ngày càng dày đặc. Thậm chí, có điểm chỉ một con phố dài trăm mét xuất hiện gần 10 xe bán.
Từ doanh số hàng trăm cốc/ngày, khi xuất hiện quá nhiều đối thủ cạnh tranh, đồng thời món cà phê muối không còn sức hút như trước, mỗi điểm chỉ bán được vài cốc. Trừ tiền nguyên liệu, tiền thuê nhân viên thì không những không có lãi lại còn ôm thêm nợ.
“Ngồi “bêu mặt” ngoài đường cả ngày, chưa kể tiền thuê nhân viên, nhập nguyên liệu, một số điểm còn mất tiền thuê địa điểm nữa nên tôi chấp nhận dẹp bỏ dự án khởi nghiệp của mình chỉ sau một tháng và hai lần nhập hàng từ công ty. Đến giờ tôi mới thanh lý được 4 chiếc xe đẩy, 4 cái còn lại nằm trong kho vì lúc này thị trường đã bão hòa, không ai muốn mua”, chị Thương thở dài.
Sau lần khởi nghiệp với cà phê muối trừ các loại chi phí, chị Thương lỗ hơn 10 triệu đồng. Chưa kể chị đã mất công việc chính thức mà biết bao người mơ ước.
Bánh đồng xu phô mai từng gây "cơn sốt" tại Hà Nội, nhiều người phải xếp hàng đi mua.
Thấy bánh đồng xu phô mai Hàn Quốc được nhiều người yêu thích, xếp hàng dài để mua, chị Thu Mai, trú tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) đầu tư hơn 30 triệu đồng để kinh doanh loại bánh này.
“2 chiếc máy nướng bánh bằng điện tôi phải mua với giá hơn 8 triệu đồng/chiếc, chưa kể tiền thuê chỗ đứng bán là 3 triệu đồng/tháng, tiền mua xe bánh, máy xay bột, máy đánh bột, hộp nhựa, bao bì, phô mai, bột mì, sữa…”, chị Mai phân tích.
Thời gian đầu mở bán, mỗi ngày xe hàng của chị bán được khoảng 200 chiếc, mỗi chiếc có giá 30 nghìn đồng, thu về từ 1-2 triệu đồng.
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 10 ngày, các điểm bán bánh đồng xu phô mai mọc lên nhan nhản, khách đến mua bánh ngày một thưa thớt dần. Từ vài trăm chiếc/ngày, điểm bán của chị chỉ còn bán chưa được 20 chiếc, thậm chí có ngày chỉ bán được vài chiếc. Nguyên liệu đã chuẩn bị nhiều khi phải đổ bỏ, ôm lỗ mỗi ngày.
“Khách chỉ mua bánh vào cuối giờ chiều nên cả ngày hầu như ngồi “ngáp”. Mấy người bạn tôi còn vác máy đi hội chợ, công viên, trường học để bán nhưng không ăn thua vì nghĩ đi nghĩ lại, một chiếc bánh có giá bằng một bát phở, tiền đâu mà ngày nào cũng ăn, chưa kể, ăn mãi cũng chán”, chị Mai nói.
Vắng khách, chị Mai quyết định thanh lý toàn bộ số máy, xe hàng kèm các nguyên vật liệu đi kèm với giá chỉ 8 triệu đồng, chịu lỗ 22 triệu đồng nhưng cũng chưa bán được.
Nhiều người thanh lý bán xe bán hàng, máy làm bánh đồng xu với giá rẻ. (Ảnh chụp màn hình).
Chia sẻ ý kiến của mình về mô hình kinh doanh theo “trend” này, ông Trần Trọng Tráng, Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp chế biến thực phẩm sạch cho biết, kinh doanh sản phẩm theo trend đang là xu hướng, đòi hỏi người kinh doanh phải biết nắm bắt cơ hội, tối ưu chi phí và quan trọng nhất là phải nhanh chóng thích ứng với những thay đổi chóng mặt của thị trường.
“Kinh doanh sản phẩm theo trend cần “đánh nhanh - rút gọn", không nên đầu tư lớn, địa điểm tốn kém để bán sản phẩm trend như một mặt hàng mang tính bền vững", vị giám đốc kinh doanh tư vấn.
Theo đó, kinh doanh sản phẩm xu hướng đòi hỏi kiến thức tốt về thị trường cùng khả năng thích ứng nhanh chóng của doanh nghiệp.
Thậm chí, theo ông Tráng, kinh doanh theo trend đối với doanh nghiệp là cần chủ động tạo ra trend mằng những sản phẩm mới hoặc tạo ra hình thái sản phẩm mới và có một chiếc lược truyền thông tốt, để tạo ra xu hướng cho sản phẩm.
Còn đối với các cá thể, hộ kinh doanh cần "làm có tâm, nhìn có tầm", không ngừng thay đổi mô hình kinh doanh bằng việc học hỏi từ các doanh nghiệp có khả năng nhận định, định hướng thị trường.
Và khi đã kinh doanh thì phải "có tâm", tránh làm ẩu, vụ lợi thì rất nhanh mất khách, nhất là trong cuộc chạy đua theo mốt, khiến cuộc cạnh tranh càng thêm khốc liệt.