“Tôi tiếc nhiều thứ, tiếc nhất là quãng thời gian gần 18 năm dài đằng đẵng ở trại giam. Giá như ngày ấy, tôi không ngu dại thì đâu đến mức phải trả giá cả quãng thời gian tươi trẻ. Con gái có thì, giờ tôi đã ngoài 50 tuổi. Cái tuổi không còn trẻ để làm lại cuộc đời.
Nhưng, muộn còn hơn không. Hai năm nữa, nếu cải tạo tốt tôi sẽ được trở về quê hương, về với họ hàng, làng xóm, về với đứa em trai duy nhất của mình. Lúc đó, tôi sẽ cố gắng sống sao cho thật có ích, để em tôi, cháu tôi không phải hổ thẹn vì có chị gái đi tù”- Đó là những lời chia sẻ của phạm nhân Lương Thị Thắm, quê Cao Bằng, người nhận hai bản án chung thân vì “xách” ma túy thuê.
2 án chung thân vì “xách” ma túy
Lương Thị Thắm bị bắt ngày 9/1/2005 với tội danh Mua bán trái phép chất ma túy. Chấp hành án tại trại giam Xuân Nguyên (Cục C10, Bộ Công an), đóng tại Hải Phòng được gần 18 năm, nhưng không lúc nào chị thôi day dứt, ân hận vì những lỗi lầm mình gây ra.
“Tôi vận chuyển thuê cho người ta, trong quá trình vận chuyển, cơ quan điều tra kết luận, tôi giúp sức cho việc buôn bán nên tôi bị kết án, tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, lúc đó tôi tròn 31 tuổi, còn chưa kịp lập gia đình”- nữ phạm nhân kể.
Thời điểm bị bắt, Lương Thị Thắm đang là chuyên viên, công tác tại đơn vị thuộc UBND tỉnh Cao Bằng. Đồng lương eo hẹp, bố mẹ mất sớm, nhà có hai chị em, mọi chi phí trong gia đình đều trông vào thu nhập của Thắm. Nhà cửa xuống cấp, rách nát, em trai không có công ăn việc làm, nên Thắm vay mượn đầu tư buôn bán thực phẩm, ươm cây giống. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, công việc làm ăn thất bát, số tiền vay nợ bên ngoài, lãi ngày một tăng lên. “Túng quá hóa liều” vì lo sợ bị chủ nợ tới cơ quan đòi, nên Thắm nghe theo một người bạn cùng xóm đi “xách” ma túy thuê để trả bớt nợ nần và trang trải cuộc sống.
Chuyến đầu tiên trót lọt, tiền công 2 triệu chưa kịp nhận, đến chuyến thứ 2 Thắm bị bắt. Ngẫm lại việc làm của mình, Lương Thị Thắm cho hay "tất cả do mình phần nhiều, nếu mình có bản lĩnh, có hiểu biết thì đã không sa chân vào con đường này".
“Khi bị bắt, tôi thực sự sốc nặng, lúc đó chỉ ước mình chết quách đi cho đỡ tủi hổ. Bởi, mình làm ở cơ quan nhà nước, có hiểu biết, xác định được mức án phải nhận là thế nào, nhưng mình vẫn làm”- chị Thắm kể.
Nhớ lại quãng thời gian bị bắt, đến tận giờ phút này, sau gần 18 năm chấp hành án, nữ phạm nhân vẫn rơi nước mắt khi kể lại cuộc đời truân chuyên của mình.
Khóc 2 ngày đêm khi chứng kiến người khác thi hành án tử hình
Lúc mới bị tạm giam, theo lời kể của chị Thắm, cả ngày chị cứ nhìn lên trần nhà xem có cái dây, mảnh sành, hay mảnh dao nào không?,…thậm chí nghĩ đến cắn lưỡi để tự tử…nhưng sau tất cả là không làm được.
Phạm nhân Thắm cho hay, trong khoảng thời gian đó, có một buổi tối, chứng kiến một phạm nhân được đưa đi tử hình, chị mới thấy quý cuộc sống vô cùng: “Tôi khóc, khóc rất nhiều, khóc hai ngày, đêm. Lúc đó, mình không biết mình còn quyền được sống hay không? Lúc đó, nhận ra được giá trị sống, tôi tự động viên mình, còn sống là còn may mắn. Nhớ lại lời em trai nói lúc tôi bị bắt, chị còn sống em còn chị, dù chị có sống ở môi trường nào, còn chị là còn nhà”- Thắm kể.
Cố gắng cải tạo tốt, Lương Thị Thắm nhận được sự tin tưởng của Hội đồng cán bộ, Ban Giám thị trại giam, chị được đưa lên làm Trưởng Ban tự quản, giúp việc cho cán bộ. Từ án Chung thân, phạm nhân này được giảm án xuống 30 năm tù và tiếp đó, được giảm xuống còn 20 năm.
“Đến nay tôi được giảm án 5 lần, tổng cộng giảm được 77 tháng tù, lần nhiều nhất 20 tháng. Thời gian chấp hành án còn lại của tôi là 6 năm. Tôi còn được giảm án 2 lần nữa, nếu may mắn, chỉ còn 2 năm rưỡi là tôi được về nhà”- phạm nhân Thắm nói.
Thiếu tá Đặng Hồng Thắng, cán bộ giáo dục, Trại giam Xuân Nguyên đánh giá cao những nỗ lực của phạm nhân Thắm. Hội đồng Tự quản phạm nhân đã bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét quá trình cải tạo và đồng ý cho Thắm vào Ban tự quản phạm nhân. Từ đó, giúp Ban cán bộ hướng dẫn các phạm nhân nữ khác chấp hành nội quy, động viên họ yên tâm cải tạo.
Theo kế hoạch, còn hơn 2 năm nữa, Lương Thị Thắm mãn hạn tù. Khi được hỏi, "có sợ xã hội kỳ thị, khó hòa nhập cộng đồng không ? Phạm nhân này cho biết, sợ thì có, nhưng quãng thời gian quá dài ở trong trại giam, mặc dù điều kiện vật chất trong trại ngày càng nâng lên, nhưng chắc chắn không một ai trong trại giam “coi tù là nhà”.
Cũng theo chia sẻ của phạm nhân này, những chị em phải đi trả án trong tù, nhiều chị em có chồng, con, không sớm thì muộn, đơn ly hôn được gửi vào trong trại.
“Phụ nữ, nếu không được chăm sóc con cái cũng héo mòn đi rất nhiều. Nhiều chị, biết con cái ở ngoài, thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, mặc cảm tội lỗi của mẹ dẫn đến hư hỏng, nên ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, sinh ra chán nản”- chị Thắm nói.
Do vậy, Lương Thị Thắm cũng như tất cả các phạm nhân nữ khác, đều mong muốn được trở về quê hương. Bằng những kiến thức nghề nghiệp đã làm trong quá trình cải tạo, sẽ đi xin việc làm, cố gắng làm nghề lương thiện để không còn phải quay lại đây một lần nữa./.