Theo IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống còn 102,89 tỷ USD tính tới cuối tháng 5. So với cuối năm 2021, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm khoảng 4,5 tỷ USD.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm dự trữ ngoại hối từ đầu năm tới nay cũng đã giúp cho đồng VND không bị mất giá quá nhiều trước diễn biến tăng giá mạnh của đồng USD.
Tính tới ngày 19/8/2022, chỉ số DXY đã tăng 13,06% so với cuối năm 2021, đồng tiền của nhiều nước EMs cũng đã có diễn biến mất giá mạnh so với đồng USD, như đồng Won của Hàn Quốc mất giá 10,33% kể từ đầu năm, đồng nhân dân tệ mất giá 6,77%, baht Thái mất giá 6,36%.
Trong khi đó, đồng VND đang có mức mất giá khoảng 2,48%. Theo rổ theo dõi của BVSC, đồng VND là đồng tiền mất giá ít nhất so với USD, tính từ đầu năm tới nay.
Lãi suất có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng
Trong vòng một tuần kể từ ngày 11/8 đến 18/8, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đã có diễn biến giảm mạnh, lần lượt ở mức 0,87%; 0,80% và 0,33%, xuống còn 2,43%; 2,68% và 2,78%/năm.
Như vậy, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục có diễn biến hạ nhiệt trong tuần vừa qua sau khoảng thời gian lượng lớn tín phiếu đáo hạn. Dù vậy, việc NHNN quay trở lại hút ròng mạnh trong tuần vừa qua cũng cho thấy lãi suất liên ngân hàng khó có thể giảm sâu hơn mặt bằng hiện tại.
Theo cập nhật mới nhất của NHNN, tính tới cuối tháng 6/2022, tăng trưởng tín dụng đạt mức 9,44%; trong khi đó, tăng trưởng M2 đạt mức 3,78%, bao gồm 6,02% tăng trưởng tiền gửi dân cư và 6,02% tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế.
"Hiện tại, tăng trưởng tín dụng vẫn đang ở mức nhanh nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm trở lại đây, và là yếu tố tạo ra áp lực khiến cho lãi suất tăng," báo cáo viết.
Trong thời gian tới, BVSC dự báo lãi suất có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng, một phần do nhu cầu vốn cho đầu từ mở động hoạt động sản xuất kinh doanh, một phần do Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) vẫn đang trong quá trình tăng lãi suất.