Kỹ năng sống

Người dân miền núi Hà Tĩnh kiếm bội tiền nhờ "cây có quả đen nhánh"

Tại huyện miền núi Hương Sơn hàng trăm hộ dân đang sở hữu những cây trám đen cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm, đang vào mùa thu hoạch.

Người dân miền núi Hà Tĩnh kiếm bội tiền nhờ cây có quả đen nhánh - Ảnh 1.

Để thu hoạch trám đen, người thợ phải có kỹ năng leo trèo.

Đến xã Sơn Ninh, Sơn Phú, Sơn Lâm, Sơn Giang… đâu đâu cũng thấy bà con nông dân đang phấn khởi í ới gọi nhau thu hoạch quả trám đen để bán.

Có những cây trám đen hàng chục năm tuổi, thân to một người ôm không xuể, cành lá sum suê, chi chít với những quả ngon đen nhánh.

Món trám đen từ xưa vốn quen thuộc với người dân thôn quê, nay đã trở thành món ăn đặc sản hấp dẫn mà người dân thành thị muốn tìm mua để thưởng thức.

Trám đen có thể chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng, hấp dẫn.

Tham quan vườn trám của gia đình bà Hoàng Thị Lan (52 tuổi, trú tại xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn) hàng chục cây trám với những chùm quà trĩu cành đen nhánh.

“Vùng này nhà ít thì vài ba cây, nhà nhiều có đến hàng chục cây. Gia đình tôi có 10 cây trám đen, trong đó có 6 cây trám hàng đã cho thu hoạch từ hàng chục năm nay. Trám mỗi năm một giá, năm nay được mùa trám với giá bán đắt hơn năm trước nên bà con chúng tôi phấn khởi lắm”, bà Lan nói.

Người dân miền núi Hà Tĩnh kiếm bội tiền nhờ cây có quả đen nhánh - Ảnh 2.

Trám đen vào vụ mùa với những chùm quà trĩu cành đen nhánh.

Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ UBND xã Sơn Ninh cho hay, trám đen là loại cây dễ trồng, thích hợp với vùng đồi núi, mỗi năm thu hoạch một mùa vào khoảng từ giữa tháng 7 đến tháng 10 âm lịch.

Trước đây, người dân ít để ý chăm bón, chỉ để cây phát triển tự nhiên, nên trồng từ 7 - 8 năm mới cho thu hoạch. Bây giờ, trám đen được xem là sản phẩm hàng hóa nên người dân tiếp tục ươm giống phát triển.

Toàn xã hiện có hơn 350 hộ trồng trám đen, vào mùa thu hoạch mỗi hộ có thể thu nhập từ 10 đến 50 triệu đồng.

Có mặt tại một số xã thuộc huyện miền núi Hương Sơn, phóng viên ghi nhận gần như tất cả những hộ dân nơi đây đều có cây trám đen ở trong vườn nhà.

Người dân miền núi Hà Tĩnh kiếm bội tiền nhờ cây có quả đen nhánh - Ảnh 3.

Trám đen có thể chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng, hấp dẫn.

Theo tìm hiểu, những cây trám đen đã mang thu nhập khá ổn định cho các hộ dân, những năm thời tiết khắc nghiệt số lượng cây trám đậu quả ít nhưng mỗi hộ vẫn thu về từ 4 triệu đồng trở lên.

Bà Võ Thị Hương (66 tuổi, trú tại thôn 5 xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) cho biết, gia đình bà đang sở hữu 2 cây trám lớn có tuổi đời từ hàng chục năm.

Năm nay, quả trám được thương lái thu mua nhiều, giá bán ra cũng cao từ 90.000-120.000 đồng/kg. Mỗi năm đến mùa, 2 cây trám này cũng mang về cho gia đình gần 10 triệu đồng.

Người dân miền núi Hà Tĩnh kiếm bội tiền nhờ cây có quả đen nhánh - Ảnh 4.

Bà Võ Thị Hương phấn khởi vì năm nay trám được mùa.

"Những cây trám này được gia đình tôi trồng từ mấy chục năm rồi, giờ đến mùa là hái bán thôi, không phải chăm sóc gì nữa.

Năm nay trám đen được mùa, lại được giá, bán đắt hơn năm trước nhiều. Gia đình tôi ít cây nên huy động người nhà tự trèo hái, còn những gia đình mà nhiều cây, không có thời gian thu hoạch sẽ có thương lái họ đến tận nơi hái và thu mua luôn”, bà Hương phấn khởi nói.

Những năm gần đây, trám đen của huyện Hương Sơn đã được đưa đi tiêu thụ rộng rãi ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài lượng trám bán lẻ tại các chợ, ở các điểm thu mua, thương lái còn thu gom tới hàng tấn quả, mang về hàng trăm triệu đồng cho người dân.

Người dân miền núi Hà Tĩnh kiếm bội tiền nhờ cây có quả đen nhánh - Ảnh 5.

Trám đen được thương lái thu mua và bán ra thị trường với giá 90.000-120.000 đồng.

Theo chia sẻ của một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, quả trám là một loại quả đặc trưng của huyện Hương Sơn, hiện đã phân bố rất nhiều tại các xã Sơn Ninh, Sơn Bằng, Sơn Tiến, Sơn Phú, Kim Hoa, An Hòa Thịnh…

Hiện, có trên 2.000 cây cho sản lượng hàng năm từ 25-30 tấn, riêng xã Sơn Ninh có hơn 300 cây, sản lượng hàng năm đạt từ 15-20 tấn, chiếm 2/3 sản lượng của cả huyện.

Đặc sản trám đen ở huyện Hương Sơn những năm trước thường được các thương lái từ tỉnh Nghệ An đến để thu mua. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất tại địa phương trực tiếp đi thu mua và chế biến ngay tại địa phương.

Sau khi ước tính số lượng của từng cây, các thương lái sẽ tạm ứng tiền trước cho các hộ trồng, còn những cây có chất lượng tốt, thu mua xong vụ này, họ đặt cọc luôn cho vụ sau.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm