Ngày 8.5, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH thương mại - vận tải - du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Công ty Xuyên Việt Oil), có liên quan cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ.
Tại tòa, Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nói: "Ban đầu tôi muốn dùng 10 tỉ đồng để nộp khắc phục hậu quả chung cho vụ án. Tuy nhiên, gia đình bị cáo xác nhận số dư của 3 sổ tiết kiệm có tới gần 15 tỉ đồng. Vì thế tôi muốn dùng toàn bộ số tiền này để khắc phục hậu quả chung của vụ án. Kính mong tòa ghi nhận để xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt".
Ngay sau đó, Viện kiểm sát đã đề nghị tòa chấp nhận toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giảm án cho cựu Bí thư Lê Đức Thọ từ 1 - 2 năm tù về tội nhận hối lộ; giảm từ 4 - 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng mức đề nghị giảm nhẹ cho cả hai tội danh là từ 5 - 7 năm tù.
Trước đó, vào năm 2024, cựu Bí thư Lê Đức Thọ bị TAND TP.HCM tuyên phạt 28 năm tù (15 năm tù về tội "nhận hối lộ" và 13 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi").

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ tự nguyện dùng 3 sổ tiết kiệm gần 15 tỉ đồng để xin giảm án 28 năm tù
ẢNH: NT
Viện kiểm sát cũng đề nghị tòa giảm hình phạt từ 18 - 24 tháng tù cho bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil). Các bị cáo còn lại được đề nghị giảm hình phạt từ 9 - 24 tháng tù.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây ra hậu quả thất thoát tài sản nhà nước (quỹ bình ổn giá, thuế bảo vệ môi trường) ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Việc này dẫn đến nhiều cán bộ ở Bộ Công thương, Cục thuế bị xử lý hình sự.
Bị cáo Hạnh giữ vài trò chính của vụ án, đã chỉ đạo nhân viên lập 81 báo cáo về tình hình sử dụng quỹ bình ổn giá chiếm đoạt 219 tỉ đồng. Công ty Xuyên Việt Oil khi thực hiện thu hộ cho Nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường 1.244 tỉ đồng. Thế nhưng bị cáo Hạnh không chuyển tiền này vào ngân sách nhà nước mà sử dụng vào mục đích cá nhân.
Theo Viện kiểm sát, tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo nhận hối lộ đã chủ động nộp thêm tiền khắc phục hậu quả cho vụ án. Trong đó, bị cáo Phương nộp 50 triệu, Nguyễn Lộc An nộp thêm 100 triệu, Lê Đức Thọ đồng ý dùng toàn bộ giá trị trong ba sổ tiết kiệm (gần 15 tỉ đồng)... để khắc phục hậu quả.

7 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đều được Viện kiểm sát ghi nhận
ẢNH: N.T
Bị cáo Lê Đức Thọ từng nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng
Bản án sơ thẩm tháng 11.2024 của TAND TP.HCM, từ năm 2019 - 2020, bị cáo Lê Đức Thọ đã nhận hối lộ của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) là 600.000 USD (tương đương hơn 13,8 tỉ đồng) nhằm tạo điều kiện cho Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn tại ngân hàng và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng.
Ngoài ra, bị cáo Thọ còn nhận của bị cáo Hạnh 200.000 USD, 1 bộ golf, 1 đồng hồ hiệu Patek Philippe và 1 xe ô tô hiệu Mercedes Benz S450 Luxury, có tổng trị giá hơn 22 tỉ đồng. Mục đích để tác động, gây ảnh hưởng đến một ngân hàng có chi nhánh ở Bến Tre cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay cao.
Bị cáo Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, bị cấp sơ thẩm phạt 3 năm tù về tội nhận hối lộ) đã nhận hối lộ của Mai Thị Hồng Hạnh 50.000 USD (tương đương hơn 1,1 tỉ đồng) để chỉ đạo cấp dưới xem xét, tạo điều kiện sớm cấp giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. Đồng thời, bị cáo trực tiếp ký cấp giấy phép cho công ty này. Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng này chấp nhận mức án 3 năm tù, không kháng cáo.
Theo TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, 15 bị cáo trong vụ án sai phạm quản lý Quỹ bình ổn giá và thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, gây thất thoát ngân sách hơn 1.460 tỉ đồng, xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan.
Dù không đủ điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh tìm cách tiếp cận các bị cáo là quan chức tại Bộ Công thương để hợp thức hóa hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh; mỗi lần gặp bị cáo Hạnh đều đưa tiền, quà.