Lotte hướng đầu tư tại Việt Nam
Tập đoàn này sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc và hướng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Lotte đang vận hành 270 cửa hàng đồ ăn nhanh Lotteria và 15 siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam. Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Lotte là ông Shin Dong-bin đã đến Việt Nam.
Lotte Mall sẽ được hoàn thành vào năm sau tại Hà Nội
Tại TP HCM, Lotte dự kiến xây một khu phức hợp mang tên Eco Smart City, quy mô gấp 1,5 lần trung tâm hội nghị và triển lãm COEX tại Gangnam, Seoul. Tại Hà Nội, tập đoàn này sẽ hoàn thành công trình Lotte Mall vào năm sau. Tập đoàn Lotte là tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Hàn Quốc. Tập đoàn Lotte do ông Shin Kyuk-ho sáng lập vào tháng 6 năm 1948, tiền thân là Công ty LOTTE. Hiện nay, tập đoàn Lotte Hàn Quốc có mặt tại 22 quốc gia trên thế giới và là tập đoàn có tổng tài sản đứng thứ 5 tại Hàn Quốc.
Dự án trường đua ngựa 125 ha tại Sóc Sơn hiện ra sao?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mới đây đã tiếp và bàn thảo với Chủ tịch tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) Lee Dae Bong - Đại diện Chủ đầu tư dự án Trường đua ngựa Sóc Sơn về các vấn đề hợp tác hai bên cùng quan tâm.
Chủ tịch Tập đoàn Charmvit mong muốn thông qua UBND TP sẽ sớm có kiến nghị lên Chính phủ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Đồng tình với những chia sẻ của doanh nghiệp, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, trong bối cảnh Chính phủ luôn tạo điều kiện bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư lớn và lâu dài vào Việt Nam, chính quyền thành phố luôn nỗ lực lắng nghe cũng như giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp Hàn Quốc, thúc đẩy các hoạt động đầu tư hợp tác giữa hai bên.
Đi vào hoạt động, dự án kỳ vọng tạo thu nhập cho khoảng 5.000 lao động địa phương và hàng chục nghìn lao động phục vụ các hoạt động phụ trợ (khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm và công viên phục vụ cho văn hóa giải trí).
Trước đó, Hà Nội báo cáo Thủ tướng về việc Dự án Trường đua ngựa ở Sóc Sơn đang chưa thể triển khai do vướng mắc về việc góp vốn, về điều kiện giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất...
Loạt dự án BĐS bán bát nháo ở Hà Nội vào 'tầm ngắm' kiểm tra
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có thông báo kiểm tra việc thực hiện quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014; Luật Nhà ở 2014 tại các dự án nhà ở trên địa bàn TP.
Đoàn kiểm tra liên ngành gồm các sở, ngành: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Cục Thuế thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện có dự án nhà ở thuộc đối tượng kiểm tra.
Hà Nội sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh.
Đoàn sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản về nội dung: dự án có thế chấp ngân hàng hay không; tiến độ bàn giao nhà cho người mua nhà và việc bảo lãnh tiến độ bàn giao nhà của chủ đầu tư cho khách hàng, chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân...
Đoàn kiểm tra cũng thực hiện kiểm tra việc thực hiện quy định về bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các dự án nhà ở trên địa bàn TP.
Đồng thời, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh.
''Ông lớn'' xăng dầu khẩn thiết kiến nghị
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để bình ổn thị trường xăng dầu.
Theo đó, để bình ổn thị trường xăng dầu Petrolimex khẩn thiết kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra để đảm bảo tất cả các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đều phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu bán hàng của hệ thống phân phối của mình.
Kịp thời điều chỉnh các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở và chi phí vận tải vào chu kỳ điều hành giá ngày 12-9 để giảm bớt khó khăn cho các thương nhân đầu mối.
Các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát ngay từ đầu nguồn thông qua việc kết nối dữ liệu từ các kho của các thương nhân đầu mối trong việc tiếp nhận hàng nhập khẩu hoặc mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước.
Nửa đầu năm nhiều công ty xổ số lãi kỷ lục
Sau đại dịch, nhiều công ty xổ số báo lãi đột biến. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp xổ số miền Nam cho thấy doanh số đều đạt mức kỷ lục. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp cũng tăng mạnh so với cùng kỳ 2021.
Đứng đầu trong nhóm doanh nghiệp xổ số truyền thống miền Nam là Công ty Xổ số Kiến thiết TP HCM. Nửa đầu năm, báo cáo tài chính của công ty này ghi nhận doanh thu thuần 4.710 tỷ đồng, hoàn thành trên 50% kế hoạch cả năm. Nguồn thu chính đến từ kinh doanh vé số truyền thống, vé số cào; còn lại từ cho thuê văn phòng và in ấn. Theo đó, doanh nghiệp lãi 920 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái và gấp ba lần cách đây mười năm. Như vậy, bình quân mỗi ngày trong nửa đầu năm 2022, công ty có lãi hơn 5 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, Công ty Xổ số Kiến thiết TP HCM lãi 920 tỷ đồng
Tiếp theo là Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang có doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 2.243 tỷ đồng, lãi trước thuế 441 tỷ đồng, hơn tăng 42% so với cùng kỳ 2021. Công ty TNHH MTV Xổ số Tiền Giang và Bến Tre cũng có tăng trưởng tốt nửa đầu năm. Doanh thu thuần trong kỳ của công ty xổ số Tiền Giang đạt 2.247 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 355 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,2 và 8,2% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiêp xổ số lãi lớn sau đại dịch chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ vé ở khu vực miền Nam tăng cao. Như tại công ty xổ số Bến Tre, ban lãnh đạo cho biết chỉ số tiêu thụ vé số nửa đầu năm tại đây tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Thu nhập khác cũng tăng 9 lần so với cùng kỳ và đạt 2,3 tỷ đồng...