Theo chúng tôi tính toán, cấu trúc dẫn vốn cho nền kinh tế trong năm 2021, vốn tín dụng ngân hàng chiếm 47%, vốn huy động từ thị trường cổ phiếu thông qua IPO, qua phát hành tiếp cổ phiếu cho cổ đông hiện tại và thông qua bán cổ phiếu theo nhiều hình thức khác mới chỉ chiếm khoảng 3,2%.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu đã và đang trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng khi chiếm khoảng 21,5% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế. Như vậy để thấy, chúng ta vẫn là một nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào hệ thống ngân hàng.
Vấn đề đặt ra lúc này là, thị trường trái phiếu đang có sự co hẹp và giảm nhiệt rõ ràng. Điều này có thể nhận ra qua quy mô phát thành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) 4 tháng đầu năm theo chủ thể đã giảm đi, đặc biệt vắng bóng doanh nghiệp bất động sản phát hành thêm trái phiếu trong tháng 4 và lượng phát hành chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Vậy việc giảm số lượng có là một thông tin tích cực lúc này? Nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp phục hồi phát triển trong thời gian tới sẽ ra sao là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng về bản chất là phục vụ mục đích cho vay ngắn hạn, nhưng hệ thống ngân hàng vừa qua cũng đã phải gồng lên để cho vay trung dài hạn, chiếm khoảng 40-50% tổng dư nợ là quá sức với hệ thống ngân hàng thương mại.
Vì thế, tôi nhấn mạnh rằng, kênh dẫn vốn qua thị trường trái phiếu trung dài hạn hay thị trường cổ phiếu là vô cùng quan trọng. Vấn đề cần điều tiết quản lý như thế nào để phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Diễn đàn Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức.
Về cơ cấu vận hành, ngành bất động sản mặc dù có giảm phát hành, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, sau đó là khối ngân hàng và khối xây dựng, còn lại mới đến các khối khác. Riêng khối ngân hàng chủ yếu phát hành trái phiếu để tăng thêm vốn cấp hai cho vốn chủ sở hữu, qua đó đáp ứng chuẩn mực quản lý rủi ro an toàn vốn Basel II theo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
Về nhà đầu tư, trong năm 2021, tổ chức tín dụng chiếm khoảng 25%, các công ty chứng khoán chiếm khoảng 26-27% và đến các nhà đầu tư khác.
Về kỳ hạn và lãi suất, có rất nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất trái phiếu rất cao, nhưng điều đó là không hoàn toàn đúng, vì đâu đó chỉ ở mức từ 8 - 10%. Tuy nhiên thời hạn không được dài, chủ yếu từ 3-5 năm. Cho nên, 3 năm vừa qua, các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu, thì năm nay sẽ là năm khó khăn vì các nhà phát hành sẽ phải trả nợ rất nhiều.
Về hình thức tài sản đảm bảo, nhiều quan điểm đề cập đến “trái phiếu ba không”. Thực tế, đúng là có những trường hợp không có tài sản đảm bảo, nhưng chỉ chiếm khoảng 18%, còn lại là có tài sản đảm bảo nhưng ở dưới hình thức khác như cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai, hoặc có thể là một phần những tài sản khác.
Về pháp lý, trong những năm qua, Việt Nam đã có Luật chứng khoán, Luật doanh nghiệp là hai luật có vai trò quan trọng, chi phối việc phát hành trái phiếu. Cùng với đó là các Nghị định 163/2018, Nghị định 81 và sau cùng là nghị định 153/2020, tới đây là Nghị định 153 sửa đổi.
Giải pháp cho thị trường
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, về cách tiếp cận vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro, trước mắt, cần giải quyết dứt điểm các vụ “lùm xùm” vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu.
Thứ hai, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp như: Sửa đổi Nghị định 153/NĐ-CP (2020) về phát hành TPDN riêng lẻ, Nghị định 156 (2020) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán;...
Thứ ba, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành.
Thứ tư, có giải pháp tăng chất lượng TPDN được phát hành thông qua xem xét quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành; hoạt động phát hành ra công chúng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn (đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ …).
Thứ năm, hoàn thiện hạ tầng của thị trường TPDN như thiết lập thị trường thứ cấp tập trung đối với TPDN, qui định áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu…
Thứ sáu, phát triển nền tảng nhà đầu tư chứng khoán đa dạng, chuyên nghiệp; khuyến khích phát triển các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ hưu trí…; khuyến khích hình thức ủy thác đầu tư; cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho người dân và những nhà đầu tư mới; yêu cầu minh bạch thông tin cho nhà đầu tư, đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư cá nhân...
Thứ bảy, hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng quản lý và giám sát thị trường, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, chứ không chỉ là hành chính.