Tết Trung thu được miêu tả theo truyền thống là cảnh gia đình đoàn viên. Mọi người sẽ cùng nhâm nhi miếng bánh trung thu và thưởng thức tách trà, ngắm trăng. Bánh trung thu trở thành vật phẩm, thức quà quan trọng nhất mỗi mùa Trung thu về.
Dẫu là bánh trung thu có cùng công thức, cách làm chung nhưng mỗi quốc gia, mỗi thương hiệu gần như lại có một bí quyết rất riêng để ăn một lần nhưng phải nhớ mãi muôn đời. Nhiều người ra nước ngoài làm ăn, học tập nhiều khi cũng muốn được thưởng thức vị bánh trung thu truyền thống trong nước.
Từ nhu cầu đó, nhiều người đã nhờ bạn bè, người trong nước "xách hộ hộp bánh trung thu " sang nước ngoài.
Vậy có nên mang bánh trung thu nhập cảnh nước ngoài?
Câu trả lời là không nên.
Bánh trung thu có thành phần chứa thịt (các loại), mỡ heo, các loại hạt... Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ có các quy định rất khác nhau, thậm chí là ngặt nghèo về vấn đề được phép mang hoặc cấm mang thứ gì vào nội địa của họ.
Hồi đầu năm 2019, dư luận tại Việt Nam từng xôn xao câu chuyện một du khách Đài Loan bay từ TP HCM mang theo sản phẩm nằm trong danh sách cấm, đã bị hải quan sân bay Đài Nam phát hiện.
Cụ thể, người này đã mang theo một số sản phẩm làm từ thịt động vật, sau đó bị phạt số tiền 30.000 TWD (tương đương 23 triệu đồng). Sau đó, chính quyền Đài Loan quyết định siết chặt các quy định về các hàng hóa của hành khách mang theo từ Việt Nam, đặc biệt là các thực phẩm từ thịt lợn để ngăn ngừa bệnh dịch lan tới hòn đảo này.
Theo quy định của vùng lãnh thổ này, tất cả thịt động vật, dù là thịt khô hay thịt sống, đông lạnh, hút chân không... đều bị cấm mang vào Đài Loan. Điều đó có nghĩa là không được mang theo các loại ruốc, thịt khô như thịt bò khô, thịt gà khô... Kể cả các loại thịt trong mì tôm, phở ăn liền, các loại bánh có nhân thịt, thịt hộp... cũng nằm trong danh sách cấm.
Quy định này áp dụng cả với những bộ phận khác của động vật như xương, sừng, móng chưa qua xử lý đánh bóng hoặc sơn mài. Nếu đã được xử lý (ví dụ như để trưng bày) thì vẫn được xem xét nhưng vẫn nên cẩn trọng. Da tươi hoặc da thô của động vật và tổ chim (ví dụ: tổ yến...) nằm trong danh sách cấm. Mỡ động vật chưa qua chế biến cũng tuyệt đối không được để trong hành lý.
Vùng lãnh thổ này cũng từ chối nhập cảnh các trường hợp mang các loại trứng, sản phẩm từ trứng chưa nấu chín như trứng vịt lộn, trứng gà, trứng vịt tươi. Nếu được nấu chín thì có thể mang theo. Hoa quả tươi đều không được phép nhập cảnh Đài Loan, sấy khô thì được chấp nhận.
Xếp hàng tại quầy khai báo nhập cảnh New Zealand. Ảnh: Dy Khoa.
Cách đây 3 năm, travel blogger Dy Khoa cũng từng chia sẻ với báo chí câu chuyện suýt bị trục xuất bởi xuất nhập cảnh New Zealand vì mang theo khô gà. New Zealand yêu cầu tất cả hành khách kê khai những mặt hàng "kiểm soát hải quan" như thực phẩm tươi sống, đồ khô đóng hộp, các loại hạt, vật dụng thể thao... Những người sở hữu đồ như trên sẽ phải đi theo cổng "Declare" (Khai báo hải quan).
Trong gói hành lý, hải quan nước này giữ lại xúc xích, khô gà, túi hạt khô. Không những thế, họ còn kiểm tra đến giày và các vật dụng, thiết bị hỗ trợ thể thao.
Hồi tháng 7 này, Jessica Lee (người Australia) bị xử phạt hơn 1.800 USD khi tới sân bay Australia do không ăn hết phần bánh khi ngồi trên chuyến bay. Quá mệt mỏi sau nhiều giờ di chuyển, người phụ nữ không để ý rằng cần phải khai báo rằng đã mang theo chiếc sandwich khi hạ cánh và xuống sân bay ở Australia.
Theo Lực lượng Biên phòng Australia, các mặt hàng thực phẩm mang vào nước này phải được khai báo trên Thẻ Hành khách đến, và chúng có thể bị nhân viên an ninh kiểm tra.
Lời khuyên
Hãy cân nhắc thật kỹ việc mang theo thực phẩm như bánh trung thu lên tàu bay. Hành khách có thể bị phạt rất nặng và thậm chí là cấm nhập cảnh. Mỗi nước sẽ có các quy định nhập cảnh khác nhau, cần kiểm tra thật kỹ thứ dự định mang vào nước họ có nằm trong danh sách cấm hay không.