ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Hoa đang trải qua giai đoạn mãn kinh và những rối loạn tâm lý mà phụ nữ gặp phải do suy giảm nội tiết tố estrogen.
Bệnh viện cũng tiếp nhận chị Lan, 48 tuổi, có tình trạng tương tự. Khoảng một năm nay chị trở nên cáu gắt, hay gây sự với người thân. Ngoại hình thay đổi, da khô, nám, xuất hiện nhiều tàn nhang, rụng tóc, chị bị ám ảnh bản thân xấu đi, thường nghi ngờ chồng ngoại tình, xung đột gia đình lên cao bên bờ vực tan vỡ.
"Tôi khó kiểm soát cảm xúc", chị Lan giải thích. Bác sĩ cũng chẩn đoán chị Lan mãn kinh, nội tiết sụt giảm đột ngột ảnh hưởng đến ngoại hình, tâm lý.
Đây là hai trong số nhiều phụ nữ mắc hội chứng mất kiểm soát tâm lý tuổi mãn kinh, còn gọi là rối loạn tâm trạng tiền mãn kinh, rối loạn khí sắc hoặc các triệu chứng tâm lý của thời kỳ mãn kinh.
Tuổi mãn kinh trung bình phụ nữ châu Á khoảng 45-52 tuổi, tại Việt Nam trung bình khoảng 48 tuổi. Trong giai đoạn này, buồng trứng ngừng hoạt động đột ngột, dẫn đến sự suy giảm estrogen. Estrogen quan trọng trong chức năng sinh sản, ảnh hưởng đến tâm trạng, giấc ngủ, nhận thức của phụ nữ. Sự thiếu hụt estrogen là nguyên nhân gây ra biến đổi tâm lý bất thường cáu gắt, lo âu, trầm cảm, mất ngủ, giảm trí nhớ...

Bác sĩ tư vấn kết quả xét nghiệm nội tiết tố cho phụ nữ mãn kinh. Ảnh minh họa: Minh Thảo
Các yếu tố như vấn đề ở hệ thần kinh, tuyến giáp, stress, áp lực công việc, gia đình, lo lắng về tuổi tác, sức khỏe, tiền sử trầm cảm có thể khiến phụ nữ mất kiểm soát cảm xúc trầm trọng hơn. Biểu hiện của hội chứng này đa dạng có thể khác nhau ở mỗi người phụ nữ. Ban đầu phụ nữ có thể trải qua cảm xúc thất thường như cáu gắt, bực bội, lo âu, chán nản, dễ khóc, thay đổi tâm trạng đột ngột. Trường hợp nặng hơn có thể khó kiểm soát hành vi như mất kiên nhẫn, hành động, lời nói thiếu suy nghĩ, khó tập trung, mất ham muốn tình dục. Ở mức độ nghiêm trọng phụ nữ có thể bị suy giảm trí nhớ, khó khăn đưa ra quyết định, mất tự tin, trầm cảm nặng.
Bác sĩ có thể khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm nội tiết đánh giá mức độ thiếu hụt estrogen, cuối cùng là chọn phương pháp bổ sung cá thể hóa theo với từng bệnh nhân. Hiện estrogen có thể sử dụng dưới dạng viên uống, miếng dán, kem bôi... Trường hợp chị Hoa, bác sĩ chỉ định bổ sung estrogen dạng viên uống, kèm tư vấn tâm lý giúp chị đối phó với những thay đổi cảm xúc. Sau 3 tháng điều trị tại bệnh viện, chị tái khám, vui vẻ hơn, kiểm soát tốt hành vi và ngôn ngữ. Mối quan hệ căng thẳng giữa hai mẹ con được giải quyết. Còn chị Lan bác sĩ đánh giá mức độ nhẹ hơn, có tình trạng khô teo âm đạo nên được dùng kem dạng bôi để cải thiện quan hệ vợ chồng.
Liệu pháp bổ sung estrogen giúp bù đắp lượng hormone thiếu hụt, từ đó phụ nữ có thể kéo dài tuổi xuân, làm giảm hoặc loại bỏ các triệu chứng mãn kinh, cải thiện quan hệ vợ chồng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bác sĩ Tâm khuyến cáo liệu pháp này không thể áp dụng đại trà, thuốc chống chỉ định một số trường hợp như người bệnh ung thư vú, huyết khối. Phụ nữ có dấu hiệu khó chịu tuổi mãn kinh như bốc hỏa, khô âm đạo, khó ngủ, thay đổi tâm trạng cần đi khám để bác sĩ đánh giá, chỉ định phương pháp can thiệp phù hợp.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |