Bà Mỹ, 48 tuổi, bất ngờ có chẩn đoán ung thư vú giai đoạn ba, tế bào ác tính xâm lấn mô xung quanh, di căn hạch thượng đòn (nhóm hạch nằm ở gốc cổ). ThS.BS.CKI Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết u ở ngực của bà có kích thước 6 cm. Bà cần hóa trị 6 toa, nhằm thu nhỏ u trước khi phẫu thuật cắt tuyến vú và tái tạo ngực thẩm mỹ, có thể phải xạ trị, uống thuốc sinh học để ngăn nguy cơ ung thư tái phát.
Bà Mỹ do dự điều trị, sau đó được chồng con động viên nên chấp nhận theo phác đồ của bác sĩ gồm hóa trị, phẫu thuật, xạ trị. Ông Hữu, chồng bà Mỹ, tự gội đầu, cắt tóc cho vợ trước khi bà nhập viện. Ông cũng cắt và cạo luôn tóc của mình để vợ "không thấy cô đơn khi hóa trị bị rụng tóc", đều đặn ba tuần một lần đưa vợ đến bệnh viện truyền thuốc.
Tác dụng phụ của thuốc hóa trị khiến bà Mỹ thiếu máu, cơ thể xanh xao, mất vị giác, gián đoạn hóa trị. Chồng tìm hiểu kinh nghiệm từ các hội nhóm, học cách nấu món bổ dưỡng, dễ ăn cho người ung thư, đổi thực đơn mỗi ngày. Nhờ đó, bà Mỹ hồi phục nhanh hơn, đủ sức khỏe hoàn thành phác đồ hóa trị. "Lời an ủi, sự chăm sóc của chồng níu giữ tôi những lúc muốn buông xuôi", bà Mỹ nói.

Ông Hữu nắm tay động viên vợ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Tương tự, anh Thái, 45 tuổi, cũng đồng hành cùng vợ điều trị ung thư hạch bạch huyết giai đoạn 3B, giúp vợ vượt qua bệnh tật.
Chị Liên bị hạch phì đại, xuất hiện ở nhiều vị trí gan, lách, dọc động mạch chủ, chèn ép gây phù chân, suy thận cấp. Chị từng từ chối điều trị vì nghĩ giai đoạn muộn khó chữa khỏi, tốn kém. Nhờ có chồng động viên, chăm sóc từ sức khỏe thể chất đến tinh thần, cùng đến bệnh viện, chị mới kiên trì chạy chữa. Những lúc thuốc hóa trị làm khô xơ tóc, da dẻ nứt nẻ, móng tay, móng chân đen xì, anh Thái sơn lại móng cho vợ, bóp tay chân an ủi.
Chị Liên nói "không còn cảm giác mình là gánh nặng của gia đình". Sau toa thuốc đầu tiên chị đã giảm phù chân, hạch to nhất giảm nửa kích thước, hết suy thận cấp. Chị hoàn thành 6 toa thuốc với kết quả toàn bộ hạch giảm kích thước, theo dõi định kỳ tránh trường hợp ung thư tái phát.
Còn bà Mỹ vượt qua 6 toa thuốc hóa trị, được bác sĩ phẫu thuật đoạn nhũ và tái tạo bằng vạt da cơ lưng rộng thành công. Sau đó, bà xạ trị 20 tia, sức khỏe hồi phục tốt.
Theo bác sĩ Tấn, nhiều người bệnh ung thư sợ mình là gánh nặng của gia đình nên từ chối điều trị. Điều trị ung thư là hành trình dài, tùy trường hợp mà có thể kéo dài từ vài tháng đến hàng chục năm. Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ của thuốc làm thay đổi nội tiết tố, gây chán ăn, nôn ói, tâm trạng buồn bã, bứt rứt... Do đó, người bệnh cần sự đồng hành, động viên rất lớn từ gia đình để có thêm động lực để chiến đấu. Tinh thần thoải mái, lạc quan là một trong những yếu tố quan trọng giúp người ung thư chiến thắng bệnh tật.
Globocan 2022 ghi nhận Việt Nam có khoảng 400.000 người Việt sống chung với bệnh ung thư, trong đó hơn 180.000 ca mới mắc và 120.000 ca tử vong. Ung thư vú dẫn đầu với hơn 24.000 ca mới, tăng hơn 3.000 ca trong hai năm, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ. Ung thư hạch bạch huyết ghi nhận hơn 4.000 ca mới, tử vong hơn 2.400 người.
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |